Thứ sáu, ngày 4/3/2022
Thông báo sự kiện: Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024!
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
XÃ LA TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO

Xác định phát triển kinh tế là khâu then chốt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong thời gian qua, xã La Ngà, huyện Định Quán đã định hướng cho người dân cùng liên kết với nhau trong sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có tiềm năng kinh tế. Từ đó, trên địa bàn xã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân, được địa phương triển khai nhân rộng.
 

Nong dan xa La Nga san xuat xoai trai vu.jpg

Xã La Ngà được xem là “thủ phủ” cây xoài của huyện Định Quán. Trước đây, khi xoài vào chính vụ, số lượng xoài nhiều nên thường hay rớt giá, có khi nông dân phải bỏ vì không bán được. Để tránh tình trạng này, nhiều nông dân tại đây đã chuyển đổi sang làm trái vụ hoặc làm thành nhiều đợt trong năm. Gia đình ông Vũ Ngọc Cường tại ấp 1 có 3 hecta xoài Đài Loan cũng được sản xuất theo phương pháp này. Xử lý cho trái ra nhiều đợt trong năm nên ông có xoài bán trong khoảng thời gian dài. Trong sản xuất, gia đình ông cũng chú trọng đến nông nghiệp hữu cơ, sản xuất đúng theo quy trình để trái xoài đảm bảo an toàn. Giá xoài cũng cao hơn lúc vào chính vụ, vì vậy, hàng năm từ 3 hecta này, gia đình ông có lợi nhuận trên 350 triệu đồng. Những năm được giá, không bị ảnh hưởng của dịch bệnh có khi lợi nhuận lên đến 500 triệu đồng

Ông Vũ Ngọc Cường chia sẻ “Mình làm trái vụ này được thì bán dễ dàng lắm, giá thì nó cao hơn mùa xoài đùng vụ. Về nông sản lúc người ta có mình không thì nó cũng thua, mà lúc người ta không mình có thì nó dễ bán lắm. Nếu đầu mùa những trái xoài nhỏ mình không bán được nhưng mà giờ này là mình bán được hết, không vứt đi trái nào hết. Sản phẩm của nó thì ít, khó làm, tuy nhiên nó đáp lại cho mình giá cả ổn định hơn, cao hơn với giá xoài mùa.”

Cùng với việc thay đổi phương thức canh tác, nông dân xã La Ngà cũng đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại vật nuôi có tiềm năng kinh tế. Điển hình là mô hình nuôi rắn hổ trâu của anh Nguyễn Tuấn Phong tại ấp 3. Từ việc nuôi manh mún với một vài con rắn ban đầu, đến nay, trại rắn của anh Phong có quy mô lớn gồm 260 chuồng trong diện tích 2.000 m2 với gần 15 ngàn con. Ngoài việc sản xuất theo quy trình khép kín, đầu tư hệ thống chuồng trại bài bản cùng với việc tự nhân giống để nuôi, anh còn thuê thêm 7 nhân công vệ sinh chuồng trại, cho ăn, do đó, trại rắn nhà anh phát triển tốt, được đánh giá là mô hình đem lại hiệu quả tại địa phương.

Anh Nguyễn Tuấn Phong chia sẻ “Mới đầu tôi nuôi trăn, tôi có nuôi thêm vài ba con rắn. Sau thời gian nuôi tôi thấy con rắn hiệu quả hơn con trăn. Nó có thể sinh sản được đỡ tốn tiền mua con giống. Tôi thấy nuôi con rắn không khó mấy. Mình chịu khó dọn vệ sinh chuồng trại, xịt khử trùng là nó khỏe à.”

Vốn là một hộ nông dân có kinh nghiệm 5 năm trong việc nuôi ba ba tại tỉnh Tây Ninh, năm 2019, ông Đào Văn Tuấn mở rộng mô hình chăn nuôi tại xã La Ngà, huyện Định Quán. Trong khi đa số nông dân đều nuôi ba ba bằng bể tráng đáy xi măng thì ông Tuấn lại chỉ xây hệ thống bể nuôi mà không tráng đáy. Mô hình nuôi ba ba của ông không khác một “trang trại”. Quy mô rộng lớn gồm 35 bể nuôi trong diện tích khoảng 10 ngàn m2 với gần 70 ngàn con ba ba. Hệ thống bể nuôi cũng được xây dựng khép kín, do đó tránh được tình trạng thất thoát về số lượng.

Ông Đào Văn Tuấn – Ấp 3 – Xã La Ngà – Huyện Định Quán cho biết: “Nếu mà nói về kinh nghiệm nuôi thì 5 năm về trước tôi nuôi ở hồ có tráng đáy xi măng thì tôi thấy con ba ba phát bệnh và nó rất là khó chữa. Từ kinh nghiệm đó, tôi thấy phải chuyển đổi cơ cấu nuôi. Tôi cũng tham khảo, học hỏi nhiều nơi nuôi ở miền Tây. Tôi thấy có nhiều hộ nuôi bằng hồ không tráng đáy. Tôi áp dụng và làm thì thấy ba ba không còn bệnh hiểm nghèo như: đỏ cổ, ghẻ hoặc bã đậu.”

Quan tâm, chăm sóc ba ba đúng theo quy trình, thường xuyên thay nước trong bể, vì vậy chỉ sau 8 đến 15 tháng nuôi từ con giống lỡ, ba ba nhà ông đã đạt trọng lượng bằng những hộ nuôi từ 24 tháng. Gia đình ông cũng tự nhân giống rồi nuôi đến khi bán, cho nên mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá ba ba có giảm nhưng mô hình của ông đều đem lại lợi nhuận cao. Từ những kinh nghiệm được tích lũy, ông đã tham gia vào Tổ Hợp tác nuôi ba ba tại xã, cùng với các thành viên trong Tổ trao đổi, thảo luận áp dụng các phương thức sản xuất mới vào chăn nuôi để mô hình ngày càng đem lại hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã La Ngà cho biết:“Trong thời gian tới sau khi thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, xã tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng bà con nông dân, phối hợp cùng với huyện để hỗ trợ bà con về kỹ thuật, khoa học, các nguồn vốn ưu đãi. Tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới được tốt hơn. Nâng cao đời sống cho bà con.”

Là một xã miền núi, nông dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, vì vậy những mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả đã giúp cho người nông dân rất phấn khởi. Từ đó, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ để nông dân có thể tự tin, chủ động phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và xây dựng địa phương xã La Ngà ngày càng phát triển giàu mạnh.

 

Tuyết Mai – Lê Trung
 

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Trụ sở : KP Hiệp Tâm 1, Thị trấn Định Quán, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại: 02513.851.134; Fax: 02513.851.046, 02513.612.507
Website: http://dinhquan.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-dq@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:Bà Nguyễn Thị Diễm Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Định Quán.​