Thứ sáu, ngày 4/3/2022
Thông báo sự kiện: Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024!
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây

Lịch sử


Huyện Định Q​uán




 ​1. Giới thiệu 

​               Huyện Định Quán nằm phía đông của tỉnh Đồng Nai. Huyện có diện tích là 966,5km2, chiếm 16,40% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Định Quán giáp các địa phương khác: phía bắc – đông bắc giáp huyện Tân Phú, phía đông nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía tây giáp huyện Vĩnh Cửu, phía nam giáp huyện Thống Nhất, thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc. 



 
            Dân số 194.143 người (theo số liệu điều tra dân số năm 2009); bao gồm 22 thành phần dân tộc sinh sống gồm: người Kinh, Chơro, Mạ, Mường, Hoa, Nùng, Dao…Trong đó, người Kinh chiếm số lượng trên 76%, kế đến là người Hoa. 
Cũng như nhiều nơi khác ở miền Đông Nam Bộ và trên lãnh thổ Việt Nam, mảnh đất Định Quán đã từng in đậm những chiến công vang dội của quân và dân Định Quán. Chiến thắng La Ngà trên Quốc lộ 20 vào tháng 03-1948 đã đi vào lịch sử kháng chiến của dân tộc như một bản hùng ca bất diệt. Trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược nhân dân Định Quán nói chung;  đồng bào các dân tộc Choro, Châu Mạ nói riêng đã một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ; họ đã từng thề “ không ăn cơm hai nồi, không ở hai lòng”; họ đã chở che, nhường từng bát cơm, củ sắn cho bộ đội; họ đã cùng tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương; trong cuộc chiến đấu sinh tử đó, biết bao người con Định Quán đã anh dũng hy sinh, tiêu biểu như người anh hùng Điểu Cải người con của dân tộc Chơro.  

Ngay sau ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân huyện Định Quán đã bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng nhau xây dựng và phát triển kinh tế, giữ vững an ninh - chính trị, không ngừng nâng cao đời sống vật chất - tinh thần; biến một vùng đất hoang sơ, nghèo khó  lại bị tàn phá bởi chiến tranh thành vùng đất trù phú, dân cư đông đúc; góp phần cùng tỉnh Đồng Nai và cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 
2. Định Quán đất nước, con người và  Quá trình hình thành. 

Căn cứ Địa bạ năm 1836, huyện Định Quán ngày nay thuộc tổng Bình Tuy huyện Phước Bình, tỉnh Biên Hòa, có 4 thôn  là Định Quán, Thuận Tùng, Vĩnh An và Võng La (La Võng); đến năm 1878, địa bàn huyện Định Quán ngày nay là tổng Bình Tuy thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Biên Hòa. 

Ngày 01-11-1899, Pháp cắt phía bắc huyện Định Quán (nay là 03 xã: Phú Bình, Phú Lâm, Thú Thanh huyện Tân Phú) nhập cùng phía nam tỉnh Lâm Đồng thành lập sở tham biện Đồng Nai Thượng; năm 1901 bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, chuyển các xã bắc về tỉnh Bình Tuy; đến năm 1920 lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng. Phần đất còn lại phía nam huỵên Tân Phú thuộc về huyện Xuân Lộc. 

 Theo địa chí Biên Hòa năm 1924, tổng Bình Tuy gồm có 7 làng: Định Quán, Cao Cang, Gia Canh, Thuận Tùng, Túc Trưng, Vĩnh An. Sau năm 1924, tổng Bình Tuy lại thuộc về tỉnh Bình Tuy. Từ năm 1947, địa bàn huyện Định Quán ngày nay thuộc hai tổng Bình Lâm Thượng và Bình Lâm Hạ. 

Năm 1957 để chia cắt địa bàn, đánh phá vào các căn cứ kháng chiến, chính quyền Ngô Đình Diệm cắt các xã phía nam Đồng Nai Thượng lập quận Định Quán. Đến năm 1967 để đối phó với sự phát triển của phong trào Cách Mạng, địch thành lập thêm quận Kiệm Tân và chi khu Kiệm Tân (bao gôm cả xã Phú Túc, Túc Trưng ngày nay). 

Sau hiệp định Paris (27-1-1973), tháng 10-1973, Trung ương Cục miền Nam thành lập tỉnh căn cứ Tân Phú, mở ra một địa bàn chiến lược nối liền chiến khu Đ (khu A), nam Tây nguyên và khu 6. Đến tháng 11-1974 chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1974 – 1975, tạo bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực tiến công phá vỡ các tuyến phòng thủ của địch ở Đông Sài Gòn, Trung ương Cục điều chỉnh lại địa bàn tỉnh Tân Phú, chỉ còn lại 2 huyện Định Quán và Độc Lập. 

Sau khi đất nước thống nhất, tháng 01-1976 tỉnh Tân Phú trở thành huyện Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai. Năm 1991, huyện Tân Phú tách ra thành hai huyện Định Quán và Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai. Hiện nay huyện Định Quán gồm 01 thị trấn và 13 xã là: Phú Cường, Túc Trưng, Phú Túc, Suối Nho, La Ngà, Phú Ngọc, Thanh Sơn, Ngọc Định, Gia Canh, Phú Lợi, Phú Tân, Phú Vinh, Phú Hòa. 

3. Những thành tựu sau ngày giải phóng: 

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Định Quán bắt tay vào khôi phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất và đời sống. Trải qua 38 năm xây dựng và phát triển kinh tế,  Định Quán đã có những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế- xã hội; văn hoá- giáo dục- y tế từng bước phát triển; cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; đời sống nhân dân trong huyện ngày càng nâng lên. Từ một huyện thuần nông, trình độ dân trí thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; đến nay Định Quán có cơ cấu kinh tế khá hợp lý với 53% GDP là nông nghiệp, 47% là công nghiệp - dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên dưới 9%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Sản xuất nông nghiệp bước đầu phát triển theo hướng hiện đại hoá; cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển đổi gắn với công nghiệp chế biến phù hợp với thị trường tiêu thụ. Đến nay lưới điện rộng tới 107/112 ấp, 98% số hộ trên địa bàn huyện được sử dụng điện; hơn 97% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp làm mới hàng 100Km đường nhựa; đến nay đã hình thành các Khu công nghiệp và cụm khu công nghiệp bước đầu đi vào hoạt động, tạo việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động địa phương… 

Về chính trị- xã hội, an ninh- quốc phòng: năm 1975 toàn huyện chỉ có 87 đảng viên, đến nay huyện Định Quán trên 2.500 đảng viên và 97.000 hội viên, đoàn viên trong các tổ chức MTTQ, đoàn thể đạt tỷ lệ trên 81%. Cải cách hành chính liên tục được mở rộng ở các cơ quan, ban ngành và các xã, thị trấn. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được một số kết quả bước đầu. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Việc phát huy dân chủ được chú trọng, những việc dân biết, những việc dân bàn, dân kiểm tra được cơ sở thực hiện tốt hơn. Đến nay 100% ấp có chi bộ hoặc tổ đảng. Lòng tin của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp đổi mới và triển vọng phát triển đất nước được giữ vững, tư tưởng tích cực vẫn là xu hướng chủ đạo trong đời sống xã hội. An ninh- chính trị được giữ vững, 12/14 xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác phòng chống mại dâm, ma tuý. 

Về kinh tế: từ một huyện miền núi nghèo, kinh tế thuần nông kém phát triển, cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển kinh tế - văn hóa nghèo nàn lạc hậu; gần ½ dân số đói nghèo và mù chữ. Thì đến nay, diện mạo nông thôn miền núi của huyện đã có chuyển biến đáng tự hào. Năm 2012, giá trị sản xuất Nông, Lâm nghiệp, Thủy sản: 1.222,74 tỷ đồng, đạt 100,22% kế hoạch; sản xuất công nghiệp: 802,05 tỷ đồng, đạt 100,26% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường: 2.310 tỷ đồng, đạt 100,43 kế hoạch. Tổng thu ngân sách sách ước đạt 80,120 triệu đồng, đạt 1110% kế hoạch; tổng chi ước thực hiện 642.117 triệu đồng, đạt 121,51%. Tổng vốn đầu tư xây dựng: 457 tỷ đồng. 

Về các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục: Trong lĩnh vực giáo dục trước năm 1975, toàn tỉnh Tân Phú chỉ có 4 trường Tiểu học và 01 trường Trung học cơ sở chỉ với hơn 7000 học sinh. Đến nay, Định Quán có 5 trường trung học phổ thông, 67 trường Trung học cơ sở tiểu học và mầm non. Tổng số học sinh các cấp gần 60.000 học sinh,  13/14 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học. Về Y tế có 01 Bệnh viện đa khoa khu vực; 7/14 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; 13/13 trạm y tế xã có bác sỹ tại chỗ mạng lưới y tế trải khắp từ huyện tới xã; về văn hoá Ấp văn hóa đạt 91,02%, gia đình văn hóa đạt 96,3%; cơ quan có đời sống văn hóa 100%. 

Với những kết quả đạt được trong  38 năm từ sau ngày giải phóng; đặc biệt sau gần 30 năm đổi mới; tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội, an ninh-quốc phòng trên địa bàn huyện đã đạt đạt được những kết quả đáng phấn khởi, góp phần cùng Đồng Nai và cả nước hoàn thành công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội.​



Các trang giới thiệu khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Trụ sở : KP Hiệp Tâm 1, Thị trấn Định Quán, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại: 02513.851.134; Fax: 02513.851.046, 02513.612.507
Website: http://dinhquan.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-dq@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:Bà Nguyễn Thị Diễm Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Định Quán.​