Thứ sáu, ngày 4/3/2022
Thông báo sự kiện: Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024!
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây

Di tích - Danh thắng


1. Di tích lịch sử Tượng đài Chiến thắng La Ngà



Di tích chiến thắng La Ngà (tại km số 104-112 trên quốc lộ 20 đi Đà Lạt, thuộc xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) được Bộ Văn hóa- Thông tin ( nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số: 235/VH-QĐ ngày 12-12-1986.

Để cổ vũ cho chiến thắng Việt Bắc thu - đông 1947 và cũng để giáng cho kẻ thù một đòn chí mạng, Ban chỉ huy đội chi đội 10 đứng đầu là chi đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ đã quyết định: phải tổ chức một trận đánh lớn, để quân giặc thấy rằng dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam không dễ dàng chịu khuất phục trước bất kì một kẻ thù nào; dù cho kẻ thù đó mạnh hơn ta gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế, quốc phòng.

Bằng tinh thần quả cảm và sự khôn khéo sau gần nửa năm chuẩn bị, nghiên cứu địa hình, chọn địa điểm: vào lúc 15 giờ 12 phút ngày 1/3/1948 trận chiến phục kích La Ngà bắt đầu và kết thúc vào lúc 15 giờ 57 phút cùng ngày, chỉ trong vòng 45 phút.

Có thể tóm tắt trận phục kích như sau:

Giữa năm 1947 chi đội 10 quyết định tổ chức một trận đánh lớn nhằm cổ vũ phong trào kháng chiến và giáng cho giặc một đòn chí mạng. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chi đội trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Lung chi đội phó, một tổ trinh sát được giao nhiệm vụ khảo sát địa hình ở La Ngà. Sau hơn hai tháng bám sát trận địa, đội đã nắm bắt được sự di chuyển của quân địch hướng Sài Gòn- Đà Lạt. Nhận thấy La Ngà là một vị trí thuận lợi để ta tổ chức một trận đánh lớn. Trận phục kích được giao cho đồng chí Nguyễn Văn Lung phụ trách, vậy là mọi chuẩn bị về nhân lực, vật lực được tiến hành. Trải qua bao khó khăn, gian khổ, đầu năm 1948 lực lượng phối hợp giữa chi đội 10 và bộ đội địa phương, du kích ( khoảng 1000 người) đã sẵn sàng. Doanh trại của chúng ta đóng ở Suối Cát -Xuân Lộc. Sau khi biết được vào ngày 1/3/1948 có một đoàn xe 59 chiếc; gồm xe quân sự, xe dân sự đi từ Sài Gòn đến Đà Lạt, Ban chỉ huy quyết định mở trận phục kích.

Ta bố trí trận địa từ km 104 đến km112( từ cầu La Ngà đến thị trấn Định Quán) chia làm 3 trận địa A,B,C. Ban chỉ huy đóng ở trận địa B.

Đúng 15 giờ 12 phút quả địa lôi ở trận địa C phát nổ, quân địch hoảng loạn. Sau 45 phút chiến đấu ta tiêu diệt 150 tên địch, bắt sống 270 tù binh gồm cả binh lính và dân thường. Trong đó có 2 đại tá, 1 thiếu tá và một số sĩ quan khác, phá hủy hoàn toàn 59 xe cơ giới. Về phía ta chỉ hy sinh 2 người, bị thương 3 người. Quân địch điên cuồng trả thù nhưng ta đã rút về nơi an toàn.

Chiến thắng La Ngà đã làm nức lòng nhân dân Định Quán nói riêng, quân dân Đồng Nai nói chung. Đây là chiến thắng thể hiện sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta làm cho địch một phen kinh hồn, bạt phía. Từ chiến thắng này lực lượng ta ngày càng thêm lớn mạnh, góp phần đánh bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch, buộc chúng phải rơi vào thế bị động.

    Cùng với quần thể danh thắng đá Chồng vững chải, Thác Mai tươi đẹp như một bà tiên trong chuyện cổ tích, dòng sông La Ngà mộng mơ như một dải lụa mềm. Tượng đài chiến thắng La Ngà sừng sững tạo nên một quần thể du lịch kì thú của Định Quán.

2. Di tích danh thắng Đá C​hồng Định Quán.



 
                Quần thể Đá Chồng Định Quán nằm giữa khu dân cư sầm uất thuộc thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, ngay bên Quốc lộ 20 huyết mạch, nối liền cao nguyên Bảo Lộc, Lâm Đồng với đồng bằng Nam Bộ. Từ ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) rẽ phải theo Quốc lộ 20 hướng về phía Đà Lạt khoảng 50 km ta sẽ gặp một quần thể đá xếp chồng lên nhau rất đẹp và kỳ lạ. Đó là khu danh thắng Đá Chồng.
 
                 Trèo lên đỉnh Đá Chồng, qua cheo leo hiểm trở, bạn sẽ có dịp mở rộng tầm nhìn bao quát toàn cảnh. Một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú đa dạng đến tuyệt vời. Giữa chập chùng những núi lửa miệng phễu hình ê líp nghiêng nghiêng, in dấu dòng dung nham nay đã trở thành những ốc đảo xanh tươi với các loại cây nhiệt đới. Xa xa những thung lũng mênh mông thẳm thẳm xanh mượt, lấp lánh những hồ nước và cả những dãy suối uốn lượn uyển chuyển dưới chân đồi.
 
                 Vẻ đẹp kỳ thú của Hòn Ba Chồng, Núi Đá Voi, Hòn Dĩa, cùng với ngôi chùa thiên nhiên dưới chân núi đá là những cụm tiêu biểu tạo thành cảnh đẹp hài hòa cho khu danh thắng Đá Chồng. Với ba hòn chồng lên nhau khá chông chênh, độ cao 36 m so với mặt đường, hòn đá dưới cùng lớn gấp đôi hòn đá nằm trên, hòn trên cùng nằm chia ra phân nửa tưởng chừng như muốn đổ xuống bất kỳ lúc nào.
 
                  Về phía Tây Bắc của quần thể Đá Chồng là cụm núi có hình dạng rất độc đáo. Hòn Dĩa thuộc cụm núi này với hình thù của hình chữ nhật không đều, một đầu to, một đầu nhỏ nhưng nằm trên một tảng đá nhỏ hơn rất nhiều, với độ cao hơn 43 m so với mặt đất. Cụm núi có nhiều đá tảng cồng kềnh vào nhau, lại thêm cây cối mọc um tùm tạo nên những hang động đầy vẻ huyền bí, tựa như cây và đá tìm mọi cách để vươn lên tìm hơi thở sinh tồn. Núi đá (nhân dân còn gọi là núi Bạch Tượng) nằm về phía Tây Nam khu danh thắng, sau chùa Thiện Chơn 10 m. Nó có hình như hai con voi lớn nằm cạnh nhau. Trên đỉnh của hòn đá Voi là voi đực có tượng Phật Thích ca khổng lồ nhìn về hướng đông được xây và đặt vào những năm đầu thập niên 70. Hòn đá kế bên gọi là voi cái. Dưới chân voi đực có hang Bạch Hổ với tích tương truyền rằng “Xưa kia, khi rừng rậm còn nhiều, có một cặp hổ trắng về ẩn tại núi Đá Voi. Đặc biệt là cặp chúa sơn lâm này không bắt người ăn thịt mà thường xuống nghe tụng kinh ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá, cặp hổ bỏ đi. Nhân dân cho là hổ thần nên đặt là Hang Bạch Hổ”. Từ hang Bạch Hổ có một con đường nhỏ (bậc tam cấp), do con người tạo nên uốn theo núi đá voi đực đến với tượng Phật. Hàng triệu năm qua, đá vẫn lặng im không nói, như chính nó đã chở che cho con người cổ đã một thời sống trong hang động, rừng rậm. Ngày nay, với vẻ đẹp kỳ diệu, quần thể đá chồng là một cảnh quan tuyệt đẹp được thiên nhiên ưu đãi cho con người. Quần thể Đá Chồng Định Quán còn là nơi lưu lại những dấu tích của cuộc sống người tiền sử. Tại đây dưới các mái đá, ven các khe suối và cả các sườn dốc ven thung lũng đã phát hiện nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người xưa bằng đá, đồng, đất nung.
 
                  Trong suốt cuộc kháng chiến dài 30 năm. Định Quán là một phần quan trọng của Chiến khu Đ. Đá Chồng đã chứng kiến sự hình thành, phát triển, trú quân, triển khai chiến đấu của lực lượng cách mạng. Ngày nay, một phần đất của khu danh thắng Đá Chồng Định Quán đã được sử dụng, xây dựng thành khu Trung tâm văn hóa thể thao huyện Định Quán. Tương lai không xa khu danh thắng Đá Chồng Định Quán sẽ được đầu tư tôn tạo góp phần làm cho cảnh quan thiên nhiên ngày càng tươi đẹp, là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.


Các trang giới thiệu khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Trụ sở : KP Hiệp Tâm 1, Thị trấn Định Quán, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại: 02513.851.134; Fax: 02513.851.046, 02513.612.507
Website: http://dinhquan.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-dq@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:Bà Nguyễn Thị Diễm Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Định Quán.​