1. Lễ hội Giang Bơ nơm (cúng thần núi hay còn gọi là Lễ hội Đâm trâu của người Mạ)
Lễ hội đâm trâu của Người Mạ ở Khu phố Hiệp Nghĩa- Thị trấn Định Quán
Lễ hội đâm trâu (của dân tộc Mạ tại ấp Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán) là một lễ hội nhằm mục đích tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện quan trọng khác.
Tùy theo mục đích, hoàn cảnh cụ thể và tùy theo từng sắc tộc mà lễ hội này được tổ chức trong những thời điểm, khoảng thời gian và không gian khác nhau song thường là bên cạnh những ngôi nhà chung của buôn làng như nhà dài, nhà rông ...
Người chủ trì lễ hội là một già làng. Dân làng chọn một con trâu khỏe mạnh đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống no nê rồi đem buộc bằng dây mây vào một cây cột cao trên 5 m. Đây là một cây cột gỗ hoặc tre đặc biệt được trang trí bằng các hoa văn, hoa rừng, cờ thật đẹp. Trên đỉnh cột thường đặt một biểu trưng chẳng hạn như chim phượng hoàng tạc bằng gỗ.
Chủ trì đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần. Chủ trì khấn xong thì các đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu. Cả làng nhảy múa, ca hát, uống rượu, biểu diễn võ thuật.
Nghi lễ đâm trâu là phần quan trọng bậc nhất của lễ hội. Các tráng sĩ được trang bị lao dài sẽ phóng lao giết trâu, vừa phóng lao vừa biểu diễn các bài võ thuật.
Con trâu sau khi được hiến tế, được xẻ thịt chia cho các nhà trong buôn làng và một phần dùng để liên hoan.
chuẩn bị cho lễ hội đâm trâu
2. Lễ hội Sayangva (Lễ cúng thần Lúa của người Chơro)
Nghi thức rước rượi cần trong lễ hội Sayangva
Hàng năm Lễ hội SaYanva được tổ chức tại ấp Đồn Điền 2 xã Túc Trưng ( vào ngày 15/3 âm lịch ) là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chơro. Người Chơro gọi lễ hội này là SaYangva (cúng thần Lúa). Có nơi gọi là OpYangva. Xưa kia, lễ hội này kéo dài nhiều ngày đêm, thu hút cả cộng đồng tham gia.
Trước sân nhà người Chơro dựng một cây nêu. Nơi gốc cây nêu cột heo cỏ, gà chuẩn bị làm thịt cúng tế. Buổi sáng, những người phụ nữ Chơro đi rước hồn lúa – vốn là chùm lúa rẫy được bó để dành sau mùa thu hoạch trên nương. Rước về, họ chia bông lúa trang trí trên bàn thờ, làm thịt gà, heo bôi huyết trên cây nhang và chuẩn bị rượu cần, các lễ vật để cúng thần. Nghi thức cúng chính là cúng thần nhà trước, sau đến cúng tổ tiên, thần lúa. Già làng hoặc chủ nhà đảm trách việc đọc lời khấn, trình bày tấm lòng thành của gia chủ, cầu mong được thần linh hộ trì cho sức khoẻ, ban cho mùa màng tươi tốt, cây lắm trái, lúa nhiều hạt. Sau khi cúng thần nhà, người Chơro đem lễ vật ra kho lúa. Tại đây diễn ra những nghi tế và khấn riêng cho thần lúa.
Trong lễ hội, sau những nghi thức cúng thần linh, cầu bình an cho bản làng, mùa màng, người Chơro vui chơi, uống rượu cần, nhảy múa ca hát trong không khí náo nhiệt của một hội lễ sau những ngày nhọc sức lên nương, làm rẫy, đi rừng săn bắn. Trong khi khách tham dự tiệc, uống rượu cần, cồng chiêng được tấu lên. Một số phụ nữ, trẻ em Chơro hát, múa những bài hát của dân tộc mình. Tiếng đàn tre, khèn môi hay kèn lúa được nhiều người khảy, thổi để cầu phúc, chúc lành cho nhau cho đến khi kết thúc. Mọi người vui hoà trong không khí hội với men rượu cần cho đến khi đống lửa tàn, thường vào lúc nửa đêm, mới kết thúc trọn vẹn ngày cúng SaYangVa.
Ngày nay, tại một số nơi, người Chơro vẫn duy trì lễ hội SaYangva nhưng không còn kéo dài như xưa do tác động nhiều mặt của xã hội.
3. Lễ hội lồng tồng ( Lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, Nùng)
Lễ hội Lồng tồng cũng thường gọi là Hội xuống đồng, là một lễ hội truyền thống của người đồng bào dân tộc: Tày, Nùng , Dao, Sán Chỉ; gồm có hai phần là phần Lễ và phần Hội....thường được tổ chức vào tháng 12 âm lịch hàng năm.
Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Nơi tổ chức thường là ở những ruộng tốt nhất, to nhất trong buôn làng.
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, làng, bản sạch sẽ; chuẩn bị lương thực để đón khách. Vào ngày diễn ra Lễ xuống đồng, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ (tùy theo điều kiện kinh tế của từng nhà). Mâm cỗ mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng...
Trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều mầu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm đôi quả còn được làm bằng vải mầu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều mầu sắc sặc sỡ. Lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt được thực hiện do các thầy Tào tiến hành.
Sau lễ cúng là phần hội. Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng lớn được chọn làm địa điểm lễ hội, người ta dựng một cây nêu cao từ 20-30m làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 - 60 cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật- Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Tung còn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo.
Nếu ở Lễ hội nào không có ai tung Còn trúng vòng tròn thì dân bản không vui; vì theo quan niệm của họ, phải có người tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên còn thi tung còn cho nhau.
Các hoạt động đều có nét rất riêng từng vùng như: Rước cờ, Múa sư tử, Đi cà kheo,Múa rối, Chọi gà, Đánh đu, Múa võ,Kéo co, Đẩy gậy, Hát then... Đêm về, nam nữ thanh niên thi hát lượn, đối đáp...
4. Lễ hội Tả Tài Phán của đồng bào người Hoa ở Định Quán
Nghi thức leo thang dao (lễ Tạ Tài phán)
Đây là Lễ hội truyền thống của cộng đồng người Hoa. Lễ hội có quy mô lớn, diễn ra trong nhiều ngày với các nghi thức mang tính dung hợp từ nhiều tín ngưỡng.
Mục đích của lễ hội là cầu an, cầu siêu và thực hiện các nghi thức bắt buộc thể hiện sự tấn phong cho thầy cúng. Lễ hội gồm các nghi thức cúng cầu an, cầu siêu, có các tiết mục ca kịch diễn tuồng, hát bội, Lễ trảm tế vật sống, hội đấu thánh đăng. Đặc biệt nhất là nghi thức đi qua dãy than hồng diễn ra trong đêm cuối cùng của Lễ hội. Đây là nghi lễ thu hút đông người tham gia với tâm niệm hướng cầu điều phúc, sở nguyện.
Hiến sinh lễ Tạ tài phán
Trong những ngày này cộng đồng người Hoa ở các xã Phú Vinh, Phú Lợi huyện Định Quán đều tổ chức lễ hội Tả Tài Phán với quy mô lớn nhỏ khác nhau, tùy theo từng địa bàn và số lượng dân cư. Được biết nguồn quỹ thu được từ Lễ hội do sự đóng góp của cộng đồng sẽ được dùng vào các hoạt động liên quan đến cơ sở tín ngưỡng và một phần đóng góp cho phúc lợi xã hội.
Lễ hội được tổ chức hai năm một lần vào khoảng tháng 11 âm lịch hàng năm.