Thứ sáu, ngày 4/3/2022
Thông báo sự kiện: Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024!
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
THÔNG TIN VỀ BỆNH CÚM A H5N1

​Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, ghi nhận nhiều đợt bùng phát Cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng vi rút Cúm A(H5N1). Tại Campuchia tiếp tục ghi nhận các ca bệnh Cúm A(H5N1) trên người từ cuối năm 2023.

gdfgfgd.png

Trong nước, theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch Cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 06 ổ dịch Cúm gia cầm tại 06 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Cúm gia cầm sang người.

Bệnh Cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, do virus Cúm type A, chủng H5N1, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Bệnh Cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy Cúm A/H5N1 lây từ người sang người, virus A/H5N1 là chủng Cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (~50%).

Cúm A/H5N1 là bệnh đặc biệt nguy hiểm khác với các bệnh Cúm thông thường. Bệnh do virus Cúm A/H5N1 gây ra cho các loài chim, động vật có vú và con người.

1. Triệu chứng

Người bệnh nhiễm Cúm A H5N1 thường có những biểu hiện giống với Cúm thông thường, có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Các dấu hiệu sớm của bệnh Cúm gia cầm H5N1 thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng:

+ Sốt cao liên tục trên 38 độ C

+ Cảm thấy rét run, choáng váng đầu óc

+ Đau ngực, tim đập nhanh

+ Kèm theo: Đau họng, ho khan, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời…

Bệnh diễn biến nhanh các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng chỉ sau ½ ngày, người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái, đau lan tỏa, mệt mỏi đặc biệt là đau đầu, nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng dần và gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

2. Thời gian ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh của Cúm A/H5N1 dài hơn các chủng virus khác, từ 02-08 ngày và có thể dài đến 17 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với các nguy cơ như: giết mổ hoặc sử dụng các sản phẩm từ gia cầm nhiễm virus như thịt, trứng hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Đây là khoảng thời gian virus tiềm ẩn trong cơ thể, chưa có dấu hiệu, chỉ chờ cơ hội khởi phát.

3. Nguyên nhân: có nhiều nguyên nhân gây bệnh Cúm A/H5N1 cho cộng đồng:

- Sinh sống gần các trang trại gia cầm là điều kiện thuận lợi làm virus dễ lây nhiễm.

- Một số khu chợ bán trứng và gia cầm có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

- Ăn thịt gia cầm và trứng chưa được nấu chín.

Hình ảnh mô phỏng virus Cúm A H5N1

4. Phòng ngừa

4.1. Các biện pháp phòng chống dịch Cúm A/H5N1 lây sang người tại cộng đồng

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi cần thiết  tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo, rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

 

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh; khi có biểu hiện Cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

- Tăng cường sức khỏe và phòng bệnh  bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể.

 4.2. Các biện pháp phòng chống dịch Cúm A/H5N1 lây sang người tại cơ sở y tế

- Đối với cán bộ y tế:

+ Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi thăm khám và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân

+ Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi thăm khám bệnh nhân

+ Phải tắm và thay quần áo khi ra khỏi bệnh viện

+ Nhỏ mũi, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn hàng ngày.

- Đối với người nhà bệnh nhân:

+ Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định nhiễm virus Cúm A/H5N1 theo đúng quy định cách ly bệnh nhân tại cơ sở y tế

+ Sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân ( khẩu trang, kính, mũ, quần áo phòng hộ) khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc đồ dùng, bề mặt môi trường liên quan đến bệnh nhân.

Bs CKII. Đinh Ngọc Nhân

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Trụ sở : KP Hiệp Tâm 1, Thị trấn Định Quán, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại: 02513.851.134; Fax: 02513.851.046, 02513.612.507
Website: http://dinhquan.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-dq@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:Bà Nguyễn Thị Diễm Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Định Quán.​