Thứ sáu, ngày 4/3/2022
Thông báo sự kiện: Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024!
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
NƯỚC ĐÁ VIÊN TINH KHIẾT VÀ NƯỚC ĐÁ CÂY/ĐÁ BẸ ĐỐI VỚI SỨC KHỎE NGƯỜI TIÊU DÙNG

​Trước đây, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước khi đi vào hoạt động, đều phải được cơ quan chức năng là Chi cục ATVSTP tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn kiến thức ATVSTP cho người trực tiếp sản xuất, chế biến... Khi đã đạt đủ các tiêu chuẩn trên, Cơ sở mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP để đi vào hoạt động.  Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, ngày 12/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bao gồm cả nước đá được tự công bố chất lượng sản phẩm. Việc kiểm tra các tiêu chuẩn về ATVSTP sẽ được cơ quan chức năng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

gfdgfdgfd.PNG

1. Nước đá sạch, nước đá tinh khiết

Thông tư số 05/2011/TT-BYT ngày 13/12/2011 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền (thường được gọi là nước đá tinh khiết) quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với nước đá dùng liền được sử dụng để ăn uống trực tiếp.

Sản phẩm nước đá sạch, nước đá tinh khiết được kiểm nghiệm nguồn nước đầu nguồn theo QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; chỉ được công nhận đạt chuẩn theo QCVN 10:2011/BYT khi được duyệt qua 22 tiêu chí về mặt thành phần và 40 tiêu chí về mặt chất lượng của  Bộ Y tế đối với nước đá dùng liền.

2. Nước đá cây/đá bẹ

Nước đá cây/đá bẹ là loại nước đá có kích thước lớn, thiết kế theo từng tảng, miếng để sử dụng trong các hộp đựng/ướp thực phẩm.

Để giữ thực phẩm tươi ngon vận chuyển cung cấp ra thị trường, các thực phẩm cần được bảo quản trong môi trường nhiệt độ thấp. Nước đá cây/đá bẹ là giải pháp hàng đầu giúp giữ thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, làm chậm quá trình phân hủy; có vai trò bảo quản thực phẩm giữ được màu sắc, hương vị và giá trị dinh dưỡng, tươi ngon trong suốt quá trình vận chuyển. 

3. Sự nguy hiểm của Nước đá bẩn có thể đến sức khỏe như thế nào?

Nước đá bẩn thường là sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ và thiết bị cũ, không đảm bảo an toàn chất lượng trong khâu vận hành.

Bước vào mùa hè, nhất là những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua càng khiến nhu cầu sử dụng nước đá giải khát của người dân tăng cao. Thế nhưng, nếu sản xuất đá không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì rất có thể những viên đá mát lạnh đó sẽ là ổ chứa các vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh cho chính người dùng. Sử dụng đá viên bẩn có thể nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng, vậy đâu là phương pháp nhận biết nước đá tinh khiết và nước đá bẩn? 

- Quy trình làm đá mất vệ sinh

Ghi nhận tại một số cơ sở sản xuất nước đá tư nhân, nhỏ lẻ chưa đảm bảo điều kiện an toàn như: sử dụng nguồn nước ngầm chưa qua xử lý hoặc quy trình xử lý nước ngầm chưa đảm bảo an toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất và công cụ tiếp xúc với sản phẩm nước đá chưa bảo đảm vệ sinh; quá trình vận chuyển và lưu trữ đá thành phẩm trong kho ở nhiều cơ sở không sạch, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn...

Các cơ sở làm nước đá chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, hầu như không qua quá trình xử lý, lọc nước hay lắng cặn, …Những quy trình như lấy, lọc nước, làm lạnh, bảo quản rồi vận chuyển tới nơi tiêu thụ đều rất mất vệ sinh. Thường tại các cơ sở sản xuất đá thì trần nhà được lợp bằng tôn rỉ sét, đầy mạng nhện, chung quanh che chắn rất sơ sài; bụi bẩn bám vào các khay làm đá; khay làm đá bị rỉ sét… .

- Quy trình vận chuyển mất vệ sinh

Không chỉ công nghệ sản xuất đá viên mất vệ sinh mà còn cả công đoạn vận chuyển cũng tương tự như vậy. Đá thường được để dưới đất, trên vỉa hè sau đó được đưa lên xe máy, xe ba bánh mà không được che đậy, để rồi được chuyển đi tới khắp các hang cùng, ngõ hẹp trong thành phố. Khi tới nơi, những cây đá lại được vứt thẳng xuống đất và để mặc cho các chủ cửa hàng tự xử lý. 

- Đá bẩn tràn lan khắp nơi

Tại các cửa hàng nước giải khát đường phố, quán ăn… chủ yếu sử dụng loại đá này để phục vụ cho người tiêu dùng. Tại những nơi này, đá được để trong thùng xốp nhỏ. Người bán hàng thường dùng tay trần để bốc đá, người dùng không quan tâm đến những chi tiết đó, miễn sao là thỏa cơn khát.

Nhiều cửa hàng không sử dụng đá tinh khiết mà thường chỉ dùng đá cây/đá bẹ, sau đó đập vụn cho vào thùng xốp bảo quản để bán cà phê, nước giải khát và cả uống Bia… trong khi quy định thì đá cây chỉ được dùng để ướp thực phẩm.

Những nguy hiểm từ nước đá bẩn ảnh hưởng tới sức khỏe là rất lớn, bởi nó chứa rất nhiều vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh đường ruột, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy …

4. Các loại bệnh từ đá nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn

Khuyến cáo từ các chuyên gia y tế hiện nay khi sử dụng nước đá nhiễm khuẩn (chủ yếu là E.coli, Coliforms…) , những vi sinh vật trong đó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng ở nhiều mặt.

Trước hết là ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, đi tiêu phân đen hoặc có máu đỏ, nôn ói. Nghiêm trọng hơn, những vi sinh vật có trong nước đá nhiễm khuẩn còn có thể gây ra bệnh viêm gan siêu vi A, thương hàn, đường tiết niệu và thậm chí gây tử vong. Về lâu về dài, độc chất trong nước có thể gây ra viêm đại tràng mãn tính, ảnh hướng tới chức năng gan thận.

5. Làm cách nào để phân biệt nước đá tinh khiết với nước đá bẩn?

Bằng mắt thường rất khó để nhận biết nước đá có sạch hay không bởi nước đá không màu, không mùi, không thể dùng mắt nhìn hay mũi ngửi để đánh giá như những loại thực phẩm khác. Việc đem nước đá đi xét nghiệm trước khi dùng là điều không khả thi.

Nước đá bẩn là sản phẩm nước đá không đạt các tiêu chuẩn chất lượng lưu hành trên thị trường. Cách so sánh nước đá tinh khiết với nước đá bẩn mà bất kỳ người tiêu dùng nào cũng có thể so sánh nước đá tinh khiết (dùng cho ăn uống) với nước đá bẩn một cách dễ dàng dựa vào hai cách đơn giản sau đây:

- Cách nhận biết khi đá tan

Ngay cả khi nhìn bề ngoài hai viên đá trông giống hệt nhau, người tiêu dùng cũng có thể dựa theo đặc điểm của nước đá bẩn nói trên để so sánh nước đá tinh khiết với nước đá bẩn.

Cách nhận biết là sử dụng hai cốc nước khoáng hoặc nước uống thông thường có cùng một nguồn. Sau đó, ta cho vào mỗi cốc một viên đá. Điều kiện là hai viên nước đá này đến từ hai nguồn cung cấp khác nhau và có kích thước tương đương nhau. Để tăng tốc độ làm tan nước đá, có thể đặt hai cốc nước ra ngoài nắng hoặc gần nguồn nhiệt nóng, chờ cho các viên đá tan hết. Sau một thời gian, có thể nhận xét ngay rằng:

+ Cốc có chứa viên đá được sản xuất gia công, kém tinh khiết, đá tan hết sẽ bị vẩn đục và có cặn lắng bên dưới.

+ Cốc nước chứa đá viên tinh khiết, ngay cả khi đá tan hết, cốc nước vẫn đạt độ trong suốt như nước khoáng.

Cũng có thể so sánh nước đá tinh khiết với nước đá bẩn bằng cách kiểm tra độ tan của nước đá. Với sản phẩm nước đá bẩn, lượng tạp chất bên trong còn khá nhiều. Điều này khiến liên kết giữa các phân tử nước trở nên lỏng lẻo, nhiệt độ làm tan nước đá cũng thay đổi theo, khiến viên đá tan rất nhanh. Trong khi đó, viên đá tinh khiết không có các tạp chất nên có cấu trúc phân tử bền vững hơn, giúp viên đá lâu tan hơn đến 4 - 5 lần.

Hy vọng qua những thông tin trên người tiêu dùng có thể thông thái hơn lựa chọn những thực phẩm tốt nhất đẩm bảo cho sức khỏe của bản thân cũng như gia đình mình./.

BS.CKII Đinh Ngọc Nhân

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Trụ sở : KP Hiệp Tâm 1, Thị trấn Định Quán, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại: 02513.851.134; Fax: 02513.851.046, 02513.612.507
Website: http://dinhquan.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-dq@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:Bà Nguyễn Thị Diễm Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Định Quán.​