Thứ sáu, ngày 4/3/2022
Thông báo sự kiện: Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024!
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Câu chuyện người phụ nữ “bỏ phố, về rừng” khởi nghiệp

Những năm trước đây xã Thanh Sơn, huyện Định Quán được ví như một ốc đảo, bởi giao thông đi lại khó khăn. Việc kết nối với bên ngoài chỉ nhờ vào những chuyến đò ngang. Ngay cả khi cây cầu treo dân sinh được xây dựng thì việc chuyên chở nông sản, hàng hóa với số lượng lớn qua sông vẫn là vấn đề nan giải. Nhưng tất cả những khó khăn đó không cản trở được ý định táo bạo “bỏ phố, về rừng” xây dựng cơ đồ của chị Nguyễn Thị Bích Tuyền. Chị là phụ nữ trẻ tiêu biểu, điển hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại xã vùng sâu, vùng xa Thanh Sơn
 

Tao viec lam cho nhieu chi em.jpg

Vốn quê ở Đồng Tháp, sau khi lập gia đình, chị Nguyễn Thị Bích Tuyền cùng chồng vừa mở shop kinh doanh quần áo thời trang vừa đầu tư máy móc, thuê mặt bằng và nhân công  mở  xưởng may quần áo thời trang để đáp ứng nhu cầu lấy hàng với số lượng lớn, tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2008, tuy công việc phát triển, nhưng khi con gái đầu lòng ra đời, chị thấy cuộc sống ở nơi đất chật người đông quá áp lực. Từ chi phí nuôi con nhỏ, đến thuê nhà xưởng sản xuất, tiền lương chi trả cho công nhân đều quá cao.. nên chị đã bàn với chồng, rời thành phố về quê hương thứ hai là vùng đất Thanh Sơn, Định Quán nơi ba mẹ chị đang sinh sống để lập nghiệp. Ban đầu, chị Tuyền không nhận được sự đồng tình của chồng, vì ý tưởng của chị quá táo bạo và mạo hiểm, nhưng cuối cùng, chị cũng đã thuyết phục được chồng đồng ý cùng vợ, bỏ chốn đô thị phồn hoa về về vùng rừng núi xây dựng tương lai. Và quá trình khởi nghiệp của vợ, chồng chị là câu chuyện đầy gian nan, vất vả trong đào tạo nhân công, tìm kiếm đơn hàng, tìm kiếm đối tác …Nhưng khó khăn nhất vẫn là khâu vận chuyển hàng hóa. Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền- chủ cơ sở may Phước Tuyền,  tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán chia sẻ: “Khởi nghiệp thì có rất nhiều khó khăn nhưng mà khó khăn đầu tiên là về nhân lực. Đa số không có tay nghề hoặc tay nghề phổ thông. Lúc đầu mình phải đào tạo nhưng bây giờ ổn rồi. Còn bây giờ khó khăn nhất mà khó khắc phục là về vấn đề vận chuyển. Thứ nhất là công hàng vận chuyển của mình vận tải lớn, qua phà phải lệ thuộc vào giờ giấc của phà. Hàng đi theo lịch xuất của tàu mà nếu phà không đi, xe đưa qua trễ thì buộc phải dời ngày xuất. Thì nó khó khăn lắm về vấn đề vận chuyển thì cứ dần dần khắc phục thôi chứ giờ không biết làm sao.”

 Lúc mới đi vào hoạt động, cơ sở của chị Tuyền may mặt hàng thời trang, sau đó chị đã tìm tòi, kết nối để nhận may những mặt hàng đơn giản để có thể vừa giảm bớt khâu đào tạo, lại phù hợp với lao động của phụ nữ vùng nông thôn. Sau khi nhận được đơn hàng may túi bọc micro của một doannh nghiệp Hàn Quốc, được sự hỗ trợ của hội phụ nữ xã, tuyển thêm công nhân, chị đã mở rộng sản xuất. Từ 10 máy may ban đầu đến nay cơ sở may của chị Tuyền đã có 50 máy may, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện tổng doanh thu của cơ sở may vở bọc micro Phước Tuyền là trên 600triệu đồng/tháng. Chị Hà Thị Thịnh – Công nhân may tại xưởng cho biết: “Công việc ở đây thì làm tự do, thoải mái. Mà nó gần nhà, nếu đi làm Công ty thì xa quá. Lương thì nói chung làm bình thường ngày 8, 9 tiếng thì cũng được một tháng 5- 6 triệu. Đi làm ở đây nhiều thuận lợi, lương ổn định, tháng nào trả tháng ấy. Xung quanh đây ai cũng đến làm hết, công việc gần nhà mà công việc đều. Ngày nào mình bận mới nghỉ thôi, thứ 7, chủ nhật mình làm bù cũng được.”

Bên cạnh đó, cơ sở may của chị Tuyền còn tạo việc làm cho trên 50 lao động nhàn rỗi trên địa bàn xã. Trong đó, đa số là lao động nữ, lao động lớn tuổi nhận hàng về nhà làm thêm với các công đoạn đơn giản như cắt chỉ, vô bọc, đóng hộp, công việc khá nhẹ nhàng, cho thu nhập ổn định. Bà Nguyễn Thị Ngọc Rạng, người nhận hàng về làm thêm tại nhà cho biết:  “Sáng sớm dọn bánh mì ra, vé số ra rồi vô đây làm. Ai mua thì mình ra bán thôi, còn rảnh thì ngồi làm. Một ngày cũng thêm được một trăm ngàn, tháng có 3 triệu.” . Còn chị Lê Thị Hạnh- Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Sơn, huyện Định Quán cho biết thêm: “Với cơ sở may của chị Tuyền thì tạo được rất là nhiều công ăn việc làm cho chị em phụ nữ ở địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ cao tuổi và hội viên khuyết tật. Ngoài ra chị còn tham gia tích cực các phong trào ở địa phương, vận động, quyên góp hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tạo khí thế cho chị em tham gia vào hoạt động của phong trào phụ nữ ở địa phương nhiều hơn.”

Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền là tấm gương điển hình về tinh thần bản lĩnh, sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong sản xuất kinh doanh, không chỉ biết vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ tại vùng quê nghèo còn nhiều khó khăn. Những thành quả đạt được hôm nay của chị thật đáng trân trọng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ trong phong trào khởi nghiệp, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.

Lê Điểm - Tuyết Mai 

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Trụ sở : KP Hiệp Tâm 1, Thị trấn Định Quán, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại: 02513.851.134; Fax: 02513.851.046, 02513.612.507
Website: http://dinhquan.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-dq@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:Bà Nguyễn Thị Diễm Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Định Quán.​