Trong
hành trình đổi mới nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế
nông thôn theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, việc tổ chức sản xuất theo
mô hình cánh đồng mẫu lớn đã trở thành một bước đi chiến lược của nhiều địa
phương. Tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, mô hình này đang từng bước phát huy
hiệu quả rõ nét, đặc biệt tại Ấp 8, xã Thanh Sơn. Góp phần quan trọng trong
thành công ấy là vai trò thiết thực và đồng hành bền bỉ của Ngân hàng Chính
sách xã hội huyện Định Quán thông qua chương trình cho vay ưu đãi phục vụ sản
xuất kinh doanh lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Trước đây, nông dân xã Thanh Sơn, huyện Định Quán chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ một kiểu canh tác, dẫn đến năng suất không cao, chi phí sản xuất lớn, đầu ra không ổn định. Những khó khăn trong vốn đầu tư, thiếu liên kết và hạn chế trong tiếp cận khoa học kỹ thuật đã khiến bà con nông dân không thể bứt phá, dù đất đai màu mỡ và truyền thống canh tác lâu đời.
Trước thực trạng đó, chính quyền xã Thanh Sơn đã mạnh dạn đề xuất và triển khai mô hình sản xuất lúa theo hình thức cánh đồng mẫu lớn – nơi các hộ nông dân cùng liên kết lại để canh tác theo một quy trình thống nhất, cùng sử dụng giống lúa chất lượng cao, ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, đồng thời ký kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.
Đồng hành xuyên suốt quá trình triển khai mô hình, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Quán đã vào cuộc quyết liệt, linh hoạt đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng nơi, đúng đối tượng, đúng thời điểm – tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể mạnh dạn đầu tư sản xuất lớn, thay đổi tư duy và phương thức làm nông.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Quán chính là “ngọn gió lành" tiếp sức cho hàng chục hộ nông dân tại Ấp 8, xã Thanh Sơn vươn lên phát triển sản xuất. Với mức vay phù hợp, lãi suất thấp, thời gian trả linh hoạt, thủ tục đơn giản và được tổ chức hội đoàn thể hỗ trợ tận tình, bà con đã mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tạo đồng ruộng, mua giống tốt, phân bón chất lượng và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.
Ông Lâm Văn Hội – một hộ dân tiêu biểu tại Ấp 8 chia sẻ: “Tôi được vay 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư để trồng lúa. Trước kia làm lúa vụ nào cũng thấp thỏm vì năng suất không cao, giá cả bấp bênh, giờ thì yên tâm hơn vì làm đồng theo nhóm, được kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật, lại có doanh nghiệp bao tiêu."
Đặc biệt, nhờ mô hình sản xuất đồng bộ theo quy trình của cánh đồng mẫu lớn, các hộ dân không chỉ tăng năng suất mà còn giảm được chi phí sản xuất, sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn và dễ dàng tiếp cận thị trường hơn. Đây chính là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của việc kết hợp giữa nguồn vốn chính sách và tổ chức sản xuất hiện đại.
Một điểm sáng nổi bật của mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Thanh Sơn chính là sự gắn kết chặt chẽ giữa ba “nhà": Nhà nước – Nhà nông – Nhà doanh nghiệp. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội giữ vai trò là cầu nối nguồn lực tài chính – đồng hành với người dân không chỉ ở khâu vay vốn mà còn ở quá trình sử dụng vốn hiệu quả.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Quán thường xuyên bám sát địa bàn, cùng các tổ chức hội đoàn thể cơ sở tổ chức các buổi sinh hoạt, tập huấn, kiểm tra và hướng dẫn hộ vay lập phương án sản xuất hợp lý. Qua đó, bà con không chỉ được hỗ trợ tài chính mà còn nâng cao kiến thức quản lý vốn, giảm rủi ro trong sản xuất và sử dụng vốn đúng mục đích, đúng kế hoạch.
Chị Hoàng Thị Huyên – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Ấp 8 nhận định: “Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là nguồn động lực lớn cho bà con. Nhưng quan trọng hơn cả là cách ngân hàng tiếp cận rất nhân văn, gần gũi, luôn đồng hành với dân chứ không đơn thuần là cho vay và thu nợ. Nhờ vậy mà người dân yên tâm làm ăn và có trách nhiệm hơn với khoản vay của mình."
Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Ấp 8, xã Thanh Sơn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Khi sản xuất tập trung, có tổ chức, người dân có điều kiện cải thiện thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa – tinh thần phong phú hơn, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ môi trường nông thôn.
Trong tương lai, xã Thanh Sơn nói riêng và huyện Định Quán nói chung xác định sẽ tiếp tục mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản lý nông nghiệp và đặc biệt là phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình này – không chỉ là tổ chức tín dụng, mà còn là người bạn đồng hành cùng nông dân làm giàu chân chính, vững chắc từ ruộng đồng.