Ngày 27/9/2023, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND
huyện do Ông Nguyễn Tiến Ngọc – UV.BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch HĐND huyện làm trưởng
đoàn đã có buổi giám sát về kết
quả thực hiện nhiệm vụ 09 tháng đầu năm 2023 đối với Phòng Lao động – Thương
binh và Xã hội huyện.
Tham dự Đoàn giám sát có: Lãnh đạo 02 Ban HĐND huyện, đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN huyện; Lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội và Phòng Dân tộc huyện.
Làm việc với Đoàn giám sát có Bà Mai Thị Chi Liên – Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện; ông Nguyễn Tấn Đức - Phó trưởng phòng và các chuyên viên tại các bộ phận có liên quan.
Qua giám sát cho thấy, sau 9 tháng triển khai, thực hiện nhiệm vụ, Phòng Lao động – TB&XH đã tham mưu UBND huyện làm tốt các nhiệm vụ được giao, cụ thể:
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện) đã xây dựng kế hoạch trọng tâm sau: Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 12/4/2022 của UBND về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững huyện Định Quán giai đoạn 2022-2025, phân kỳ thực hiện hàng năm; Quyết định số 802/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND huyện về giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện giảm hộ nghèo A trên địa bàn huyện Định Quán, theo đó, chỉ tiêu giảm 30% số hộ nghèo A năm 2023, tương đương 226 hộ (phân theo các xã, thị trấn).
- Phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện có hiệu quả 04 chương trình gồm: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, chương trình cho vay giải quyết việc làm ( Nguồn vốn do NHCSXH quản lý). Kết quả cụ thể (tính đến 31/8/2023) :
+ Kết quả cho vay hộ nghèo: 59 hộ, số tiền 3.685.000.000 đồng;
+ Cho vay hộ cận nghèo: 49 hộ, số tiền 2.398.900.000 đồng;
+ Cho vay hộ mới thoát nghèo: 16 hộ, số tiền 820.000.000 đồng;
+ Cho vay giải quyết việc làm 1.057 hộ, số tiền 51.932.900.000 đồng.
- Công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, hộ nghèo, trẻ em nghèo, hộ gia đình khó khăn ... trong các dịp Lễ, tết Nguyên đán và việc giải quyết các chế độ hàng tháng cho đối tượng kịp thời, đầy đủ; giải quyết trợ cấp kịp thời cho các trường hợp bị bệnh tật rủi ro, do thiên tai,các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cơ nhỡ, lỡ đường … Công tác chăm sóc trẻ em đã được sự quan tâm, trong đó có sự vận động giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ để có nguồn lực chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em bị xâm hại,...
- Về dịch vụ công trực tuyến: Phòng đã phân công công chức thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và trả kết quả dịch vụ bưu chính công ích. Không nhận bất cứ hồ sơ giấy trực tiếp của người dân và doanh nghiệp đối với các thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trong 9 tháng đầu năm 2023, là 1.185 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết 1.153 hồ sơ, tỷ lệ 93,3%, còn 32 hồ sơ đang trong hạn giải quyết.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn cụ thể như:
- Hiện nay theo số liệu đến đầu năm 2023, Huyện có 986 hộ nghèo, tỷ lệ 1,91% (986 hộ/51.550 hộ dân). Trong đó: Hộ nghèo A 651 hộ chiếm tỷ lệ 1,26% tổng số hộ dân và Hộ nghèo B có 335 hộ, chiếm tỷ lệ 0,64% so tổng số hộ dân ; Số hộ cận nghèo 482 hộ, tỷ lệ 0.93%. Tỷ lệ này là tương đối cao so với chuẩn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022 -2025 theo chuẩn Trung ương là ≤ 0,3%
- Hiện nay, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2021 đã kết thúc, cho đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức để tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn;
- Một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện phải thực hiện cắt, giảm lao động, kể cả dừng hoạt động (Công ty TNHH MTV Giày Hà Gia, Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty TNHH Việt Hồng, Công ty TNHH Đất Phát), nên tình hình lao động, việc làm trên địa bàn có nhiều biến động ( do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm, giá nguyên liệu tăng cao). Từ tình hình đó, tình trạng người lao động rút BHXH một lần ngày càng tăng, đồng nghĩa với số người khi về già không có lương hưu tăng theo, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu an sinh xã hội;
- Tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện: Tổng số nợ tính đến hết ngày 31/8/2023 là 13,23 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,69% (bao gồm cả số nợ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện). Trong đó nợ khối doanh nghiệp 3,7 tỷ/13,23 tỷ, chiếm tỷ lệ 27,96% tổng số nợ trên địa bàn huyện là khá lớn;
- Trong thời gian tới, tiến tới việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội không dùng tiền mặt, chuyển tiền qua tài khoản, hiện nay mạng lưới các trụ ATM trên địa bàn huyện còn hạn chế, vì vậy phần nào khó khăn có cho các đối tượng thụ hưởng ( các đối tượng chủ yếu bệnh tật, già yếu ….)
- Phòng Lao động – TBXH huyện được giao tham mưu quản lý nhà nước nhiều lĩnh vực (Chính sách người có công , bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người nghiện ma túy, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người lao động…), lĩnh vực rộng, nguồn lực hạn chế.
Phát biểu tại buổi giám sát, Ông Nguyễn Tiến Ngọc – UV.BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch HĐND huyện đề nghị UBND huyện quan tâm chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng hộ nghèo và hộ chính sách, nhất là xử lý nợ xấu, nợ quá hạn (đặc biệt là rà soát các hộ vay vốn chuẩn bị bỏ đi nơi khác cư trú để có giải pháp xử lý phù hợp). Chỉ đạo Phòng Lao động –TBXH chủ trì, phối hợp Phòng Dân tộc, Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo và UBND các xã, thị trấn Định Quán triển khai tốt Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND nhằm giúp huyện giữ vững tỷ lệ bao phủ BHYT, đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Nghị quyết Huyện ủy và HĐND huyện đề ra; Phối hợp các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn triển khai tổ chức thực hiện trợ cấp xã hội cho các đối tượng theo Nghị quyết 09/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của HĐND tỉnh về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đối với Phòng Lao động – TBXH, đề nghị tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã chỉ đạo thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo đúng quy trình và đúng thời hạn quy định để các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách giảm nghèo. Đồng thời tham mưu cho UBND huyện kế hoạch, giải pháp để giảm hộ nghèo đạt theo các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Huyện nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng kế hoạch mở lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương khi có chỉ đạo, hướng dẫn của các Sở ngành của Tỉnh. Phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn và Ngân hàng chính sách xã hội huyện quan tâm tạo điều kiện cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm do các công ty , xí nghiệp mất đơn hàng, giải thể ... được vay vốn tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế. Tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc luật lao động trong đó có các quy định về thực hiện thu nộp BHXH, BHYT, BHTN (đặc biệt là kiểm tra, phân loại xử lý các đơn vị nợ BHXH từ 03 tháng trở lên) nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động.