
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được quy định tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
- Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (gọi chung là Công an cấp xã) giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (gọi chung là tổ dân phố).
- Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
* Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở: Công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn:
- Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã;
- Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở cấp xã, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;
- Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học;
- Đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
- Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
* Nhiệm vụ chính của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
- Hỗ trợ Công an cấp xã nắm tình hình về ANTT. Kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của cơ quan, tổ chức trong điều kiện, khả năng cho phép và theo quy định của pháp luật;
- Hỗ trợ Công an cấp xã tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ANTT và xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vận động Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ANTT;
- Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
- Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội: Nắm thông tin nhân khẩu, hỗ trợ Công an cấp xã kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng. Tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức và Nhân dân khai báo, giao nộp pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở;
- Hỗ trợ Công an cấp xã tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông (bảo vệ hiện trường); thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động;
* Hành vi bị nghiêm cấm
- Sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trái quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
- Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Giả danh lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở;
- Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ;
- Sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái phép, làm giả, cầm cố trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở .
* Mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 18/6/2024 của HĐND tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:
- Mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với thành viên Tổ bảo vệ ANTT
+ Mức hỗ trợ hàng tháng: Tổ trưởng: 3.600.000 đồng; Tổ phó: 2.700.000 đồng; Tổ viên: 1.800.000 đồng
+ Mức hỗ trợ theo trình độ đào tạo (chỉ áp dụng đối với Tổ trưởng và Tổ phó): Đại học: 1.200.000 đồng; Cao đẳng: 750.000 đồng; Trung cấp: 500.000 đồng.
+ Hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT hoặc tuần tra đêm: Khi có quyết định triệu tập của Chủ tịch UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT hoặc tuần tra ban đêm theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền phê duyệt (tính từ 22 giờ đêm hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau) thì được hỗ trợ 100.000 đồng/người/đêm, nhưng không quá 15 đêm/người/tháng.
+ Hỗ trợ tiền thâm niên: Trường hợp có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng, mỗi năm tiếp theo tăng thêm 7.000 đồng/tháng.
+ Hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ các ngày thứ bảy, chủ nhật, Lễ, Tết: Khi thực hiện nhiệm vụ trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, Lễ, Tết (không được bố trí nghỉ bù) được hỗ trợ như sau: (Mức hỗ trợ hàng tháng/30 ngày x 200%)/8 giờ x (số giờ làm việc ngoài giờ không nghỉ bù). Tổng số giờ làm việc ngoài giờ không quá 200 giờ / người/năm.
+ Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được hỗ trợ tiền ăn với mức 50.000 đồng/người/ngày.
- Hỗ trợ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
+ Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng 330.000 đồng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 210.000 đồng, cá nhân đóng 120.000 đồng.
+ Tham gia Bảo hiểm y tế với mức đóng 81.000 đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 54.000 đồng, cá nhân đóng 27.000 đồng.
- Hỗ trợ cho người tham gia Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở mà chưa tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương bị chết khi thực hiện nhiệm vụ
+ Trường hợp bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ: Hỗ trợ chi phí điều trị: Hỗ trợ các khoản chi phí không được thanh toán từ bảo hiểm y tế, kể cả thuốc mua ngoài theo toa chỉ định của bác sĩ. Trong thời gian điều trị nội trú được hỗ trợ tiền ăn hằng ngày với mức 50.000 đồng/ngày đến khi xuất viện.
+ Trợ cấp tai nạn, bị thương: UBND cấp xã giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa theo quy định của pháp luật, căn cứ mức độ suy giảm khả năng lao động, được hưởng mức hỗ trợ tương ứng như sau:
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới 21% được hưởng trợ cấp một lần bằng 14.400.000 đồng/01 trường hợp.
- Bị giảm khả năng lao động từ 21% đến 40% được hưởng trợ cấp một lần bằng 18.000.000 đồng/01 trường hợp.
- Bị giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% được hưởng trợ cấp một lần bằng 21.600.000 đồng/01 trường hợp.
- Bị giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% được hưởng trợ cấp một lần bằng 25.200.000 đồng/01 trường hợp.
- Bị giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng trợ cấp một lần bằng 28.800.000 đồng/01 trường hợp.
Toàn bộ chi phí giám định y khoa được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
+ Hỗ trợ mai táng phí, tử tuất trong trường hợp bị chết khi thực hiện nhiệm vụ: Trường hợp bị chết, kể cả trong thời gian điều trị lần đầu, thì người chịu trách nhiệm mai táng được nhận tiền mai táng bằng 18.000.000 đồng/01 trường hợp. Hỗ trợ một lần cho gia đình (cha, mẹ; vợ, chồng; con hoặc người thừa kế theo quy định của pháp luật) với số tiền bằng 21.600.000 đồng/01 trường hợp.
* Các nội dung khác đề nghị nghiên cứu quy định tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở năm 2023; Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ; Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 18/6/2024 của HĐND tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 28/2024/QĐ-UBND ngày 21/6/2024 của UBND tỉnh Đồng Nai./.