QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
(Quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013)
- Quyền con người: Là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người, được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ bởi pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.
- Quyền công dân: Là những quyền con người được Nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân của mình.
- Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam:
Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
* Công dân Việt Nam có các quyền cơ bản sau:
(1) Quyền được sống. (Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
(2) Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
(3) Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật.
(4) Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
(5) Quyền có nơi ở hợp pháp; bất khả xâm phạm về chỗ ở. (Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý).
(6) Quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.
(7) Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
(8) Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin.
(9) Quyền được bình đẳng về giới tính (Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt)
(10) Các quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước, biểu quyết khi trưng cầu dân ý (Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định).
(11) Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
(12) Quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(13) Quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.; Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.
(14) Quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
(15) Quyền được bảo đảm an sinh xã hội.
(16) Quyền được làm việc.
(17) Một số quyền khác của công dân Việt Nam
+ Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.
+ Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.
+ Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.
+ Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.
+ Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường…
* Công dân Việt Nam có nghĩa vụ cơ bản sau:
(1) Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.
(2) Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
(3) Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.
(4) Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định.