Thứ sáu, ngày 4/3/2022
Thông báo sự kiện: Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024!
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHẾ ĐỊNH VỀ ỦY QUYỀN

​Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nhu cầu cá nhân thiết yếu khác mà ngày càng nhiều giao dịch được thực hiện. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức nhiều khi không thể tự mình thực hiện các giao dịch này. Để đảm bảo quyền lợi của những người tham gia giao dịch, quan hệ ủy quyền ra đời. Không chỉ vậy, việc ủy quyền còn được áp dụng rộng rãi không chỉ trong quan hệ dân sự, mà còn được áp dụng trong các mối quan hệ khác trong xã hội.

uy-quyen.jpg

Khoản 1 Điều 138, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự"

Như vậy, ủy quyền là việc cá nhân, pháp nhân cho phép cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền của mình có được một cách hợp pháp để quyết định, thực hiện hành động pháp lý nào đó liên quan đến quyền lợi của các bên hoặc lợi ích của người đã ủy quyền trong phạm vi ủy quyền.

Ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, đồng thời nó cũng là cơ sở để người ủy quyền tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động ủy quyền mang lại.

Việc ủy quyền có thể là hành vi pháp lý đơn phương hoặc song phương, tùy thuộc vào ý chí của người ủy quyền và người nhận ủy quyền.

- Hình thức ủy quyền

Hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận (văn bản, lời nói hoặc hành vi), trừ trường hợp pháp luật quy định về việc ủy quyền phải lập thành văn bản. Để hoạt động ủy quyền đảm bảo đúng quy định pháp luật, thể hiện đầy đủ nội dung ủy quyền, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên, đồng thời làm căn cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh thì các bên liên quan nên xác lập việc ủy quyền bằng văn bản dưới 02 hình thức: (1) Giấy ủy quyền; (2) Hợp đồng ủy quyền. Đồng thời tổ chức, cá nhân nên đến các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao thẩm quyền  (cụ thể: UBND cấp xã, Phòng Tư pháp, tổ chức hành nghề Công chứng) để thực hiện chứng thực/công chứng việc ủy quyền.

* Giấy ủy quyền: Điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP; Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định:

“Giấy ủy quyền được lập để thực hiện đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản".

Cụ thể: Giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau:

+ Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

+ Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;

+ Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;

+ Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì  phải thực hiện việc ủy quyền theo hình thức Hợp đồng ủy quyền.

* Hợp đồng ủy quyền:

Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Do đó, hợp đồng ủy quyền có thể là giao dịch dân sự có đền bù hoặc không có đền bù, điều này phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Hậu quả pháp lý của việc ủy quyền

Việc ủy quyền dù dưới hình thức nào cũng làm phát sinh các quyền và trách nhiệm pháp lý của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền được quy định theo hợp đồng ủy quyền và theo quy định tại Bộ luật Dân sự. 

          - Căn cứ chấm dứt việc ủy quyền: Việc ủy quyền có thể chấm dứt theo thỏa thuận, khi công việc ủy quyền đã hoàn thành hoặc người ủy quyền đơn phương chấm dứt việc ủy quyền. Khi người ủy quyền đơn phương chấm dứt việc ủy quyền cần tuân theo quy định sau:

+ Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

+  Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.

- Quy định về việc ủy quyền lại

Trên thực tế, mặc dù đã tồn tại quan hệ ủy quyền nhưng không phải trường hợp nào người được ủy quyền cũng có đủ khả năng để thực hiện công việc được ủy quyền. Do đó, quan hệ ủy quyền lại được hình thành.

Điều 56 của Bộ luật Dân sự quy định về  Ủy quyền lại như sau:

''1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:

a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;

b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.''

- Các trường hợp không được ủy quyền theo quy định pháp luật hiện hành trong quan hệ Dân sự, Hôn nhân gia đình.

Thứ nhất, đăng ký kết hôn. Theo quy định về thủ tục đăng ký kết hôn thì khi đăng ký kết hôn, hai bên nam và nữ bắt buộc phải có mặt.

Thứ hai, ly hôn. Đối với yêu cầu xin ly hôn đương sự có thể nhờ luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để làm một số thủ tục khi nộp đơn ly hôn. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì: Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đình thì họ là người đại diện.

Thứ ba, đăng ký nhận cha, mẹ, con. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt (khoản 1 điều 25 Luật Hộ tịch 2014).

Thứ tư, công chứng di chúc của bản thân. Theo quy định tại Điều 56 Luật công chứng 2014 thì: Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc và không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

Thứ năm, không được ủy quyền cho người có quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Nếu người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền.

Thứ sáu, không được ủy quyền cho người đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: Nếu người được ủy quyền đang là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một người khác (người đã ủy quyền) mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc (người sắp ủy quyền).

Phạm Trung Tín – Phó phòng Tư pháp

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Trụ sở : KP Hiệp Tâm 1, Thị trấn Định Quán, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại: 02513.851.134; Fax: 02513.851.046, 02513.612.507
Website: http://dinhquan.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-dq@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:Bà Nguyễn Thị Diễm Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Định Quán.​