Ông Mã Sùng Sắm chăm sóc vườn tiêu
Năm 1991, từ
Vũng Tàu, gia đình ông Mã Sùng Sắm đến
ấp 2 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vừa phải
lo cái ăn, cái mặc lại phải lo cho đàn con đang tuổi đi học được tới trường.
Chính vì thế, hai vợ chồng ông Sắm đã không quản ngại khó khăn vất vả, làm thuê
làm mướn để nuôi các con ăn học và chắt chiu tích lũy từng đồng vốn nhỏ để gây
dựng cuộc sống. Nhờ cần cù chịu khó, dần dần gia đình ông cũng mua được đám
rẫy, cất nhà, làm vườn và cuộc sống cứ thế khởi sắc dần. Đến nay, các con ông
đã khôn lớn, nên người, trong đó có 3 người con tốt nghiệp đại học. Vợ chồng
ông cũng đã mua được 5 ha rẫy trồng tiêu và cà phê. Trong đó, toàn bộ diện tích
được ông lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, với kinh phí gần 150 triệu đồng. Những
năm trước, tiêu được mùa, trúng giá, trừ chi phí thu nhập từ vườn tiêu của gia
đình ông lên tới gần một tỷ đồng. Nói về bí quyết đi đến kết quả này, ông Mã Sùng Sắm mộc mạc chia sẻ: “Đã là nông dân là phải
biết tự mình cần cù chịu khó làm lụng, để làm sao đạt được cái hiệu quả cao.
Với lại bây giờ học theo kỹ thuật mới của nhà nước ra, cái gì không biết
phải đi học hỏi. Vấn đề hệ thống tưới cũng vẫn phải đi học hỏi. Trước
đây mình cũng cầm cái vòi đi tưới hàng ngày, nhưng tốn công lắm, tưới cả chục
ngày chưa hết vườn, giờ thì khỏe rồi chỉ cần bật cái mô tơ, cái khóa nước là được”
Bên cạnh
việc cần cù, chịu khó, ham học hỏi để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản
xuất, ông Sắm còn là tấm gương về sự gương mẫu chấp hành tốt chủ trương chính
sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua
do địa phương phát động. Ông đã gương mẫu đi đầu trong việc vận động nhân dân
trong khu dân cư tham gia hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Gia đình
ông vừa là người hiến đất đầu tiên và cũng là người đóng góp số tiền lớn nhất –
hàng chục triệu đồng để làm đường giao thông tại khu dân cư. Anh Vòong Sì Tắc,
người dân ở tổ 5, ấp 2 xã Thanh Sơn- Định Quán cho biết: “Chú Sắm là người dẫn đầu để làm con đường,
để con đường này mới đi lại thuận tiện. Lúc trước thì rất là khó khăn, thấy con
cháu đi học, rồi bà con chở hàng nông sản khó khăn nên chú Sắm vận động bà con
cùng làm. Lúc đầu nói không ai nghe đâu, chú làm trước lâu rồi mọi người mới thuận
theo. Bây giờ làm được con đường này nói chung cũng rất là mừng. Tuy là nó hơi
nhỏ hẹp nhưng mà được cái nó thuận tiện không dơ, sình lầy như hồi xưa”
Ở tuổi lục tuần ông Mã Sùng Sắm vẫn hăng say lao động sản xuất, mang lại của
cải vật chất cho gia đình và đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng
giàu đẹp, văn minh.
Trung Kiên – Lê Điểm