Thứ sáu, ngày 4/3/2022
Nhiệt liệt chào mừng kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng Định Quán(17/3/1975_17/3/2025)
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH SỞI

26b25c9b975e27007e4f.jpg

Sởi là một bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng, bệnh phổ biến ở trẻ em. Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi, rất hiếm người không bị mắc sởi. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi.

Bệnh Sởi có tên tiếng Anh là Measles hoặc Rubeola, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em và cả người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

Bệnh Sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt gây mù lòa và đôi khi viêm não sau Sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

I. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Bệnh Sởi do vi rút Sởi thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Đây là loại vi rút có sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường, ánh sáng mặt trời…virus Sởi tồn tại ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kì ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian ngắn. Khi siêu vi Sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.

Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em, gây viêm long ở kết mạc mắt, đường hô hấp, tiêu hoá và các phát ban đặc hiệu. Có khi gây biến chứng nặng nề; 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây Sởi nếu chưa chích ngừa. Thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi; trẻ dưới 6 tháng ít mắc vì có miễn dịch của mẹ; người lớn rất ít mắc bệnh vì đã bị mắc hoặc đã có miễn dịch từ bé, người lớn nếu mắc bệnh thường là những người ở vùng cao, hẻo lánh, đao xa… từ nhỏ chưa tiếp xúc với virus Sởi.

Tỷ lệ tử vong cao: 0,02% ở các nước tiên tiến và 0,3 – 0,7% ở các nước đang phát triển.

Miễn dịch sau khi khỏi bệnh là bền vững vì vậy rất hiếm khi mắc lại lần thức hai.

Đây là bệnh nằm trong “Chương trình tiêm chủng mở rộng" ở nước ta, nhờ có vacxin ngừa Sởi được tiêm phòng rộng rãi nên hiện nay tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đã giảm những năm gần đây.

II. TÍNH CẢM NHIỄM VÀ MIỄN DỊCH

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh Sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin Sởi đều có cảm nhiễm với bệnh Sởi.

Sau khi mắc bệnh Sởi tự nhiên sẽ được miễn dịch bền vững.

Bệnh Sởi nguy hiểm nhất đối với trẻ em nhỏ tuổi (< 3 tuổi). Bệnh làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như Phế quản phế viêm, Viêm tai, Tiêu chảy gây nên bởi vi khuẩn gây bệnh có điều kiện. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh Sởi có diễn biến rất nặng.

Trẻ em được sinh từ người mẹ trước đây đã bị bệnh Sởi thì trẻ đó sẽ được miễn dịch thụ động do kháng thể mẹ truyền cho trong khoảng từ 6 đến 9 tháng tuổi hoặc lâu hơn tùy thuộc vào số lượng kháng thể mẹ tồn dư trong thời gian có thai và tỷ lệ giảm kháng thể trong máu mẹ. Kháng thể mẹ còn tồn tại ở trẻ em sẽ ngăn cản sự đáp ứng miễn dịch khi tiêm vắc xin Sởi ở lứa tuổi này. Nếu gây miễn dịch cho trẻ vào lúc 15 tháng tuổi thì sẽ đạt được tỷ lệ đáp ứng miễn dịch cao từ 94 -98%. Việc gây miễn dịch lại bằng một liều bổ sung có thể làm tăng mức độ miễn dịch tới 99%. Trẻ em sinh ra từ người mẹ đã được gây miễn dịch bằng vacxin Sởi thì trẻ đó cũng có kháng thể thụ động của mẹ truyền cho, nhưng chỉ ở mức độ thấp và vẫn còn cảm nhiễm với bệnh Sởi. Vì vậy, những trẻ này cần được gây miễn dịch sớm hơn.

III. ĐƯỜNG LÂY

Bệnh lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện…, lây gián tiếp ít gặp vì virus Sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh;

- Lây qua đường hô hấp.

- Lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện…

- Lây gián tiếp ít gặp vì virus Sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh.    

Virus Sởi có trong hàng triệu hạt nước bọt li ti từ mũi và miệng của người bệnh, phát tán mỗi khi họ ho hoặc hắt hơi; có thể dễ dàng bị lây nhiễm bệnh Sởi khi hít thở phải các hạt nước bọt này; cũng có thể nhiễm Sởi nếu như để tay mình tiếp xúc với một bề mặt đã có nhiều virus Sởi, rồi sau đó đưa tay lên miệng hoặc mũi. Virus Sởi có thể tồn tại trong môi trường trong vòng vài giờ đồng hồ.

Khi đã xâm nhập vào cơ thể, virus Sởi sẽ nhanh chóng sinh sôi nảy nở trong vòm họng và trong phổi trước khi lan ra toàn bộ cơ thể.

Những người mắc bệnh Sởi có khả năng lây bệnh cho người khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 04 ngày sau vết ban đầu tiên xuất hiện. Do đó, người bệnh cần tránh đến trường học, cơ quan, nơi đông người… trong vòng ít nhất là 04 ngày kể từ thời điểm vết ban đầu tiên xuất hiện để tránh lây bệnh cho người khác.

IV. TRIỆU CHỨNG

1. Thời kì ủ bệnh: 10 - 12 ngày

2. Thời kì khởi phát: 3 - 4 ngày

- Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt 38,50C – 400C, nhức đầu, mệt mỏi …

- Hội chứng xuất tiết niêm mạc:

    + Mắt: Kết mạc đỏ, phù mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.

    + Hô hấp: Sổ mũi, hắt hơi, khản tiếng, ho khan, có khi có ít đờm.

    + Tiêu hoá: có khi nôn, đi tiêu phân lỏng.

- Dấu hiệu Koplik:

Nốt Koplik là những nốt nhỏ, không đều, màu  trắng xám trên nền đỏ
nhạt, có khi bị chảy máu, xuất hiện ở niêm mạc miệng (bên trong má,
vòm họng, bên trong của mô, dưới lưỡi của khoang miệng...). Các nốt này thường xuất hiện vài ngày trước khi phát ban và biến mất  nhanh chóng sau 12-18h nhưng khi đỡ dần thì chỗ tổn thương vẫn đỏ và niêm mạc nhạt màu hơn trước. Đây chính là dấu hiệu đặc trưng trong giai đoạn sớm của bệnh, rất có ích cho chẩn đoán sớm hoặc theo dõi trẻ dã có tiếp xúc với nguồn lây.

Ảnh minh họa: Nốt Koplik trong khoang miệng

3. Thời kì toàn phát

- Sốt cao 39oC - 40oC, có thể mê sảng co giật, trẻ ho nhiều, viêm nhiễm và xuất tiết đường hô hấp, chảy nước mắt, có nhiều gỉ mắt. Khi ban bắt đầu mọc, toàn thân sốt cao hơn, mệt hơn. Khi ban mọc đến chân, nhiệt độ giảm dần, triệu chứng toàn thân giảm dần rồi hết.

- Phát ban: với đặc điểm là ban rát sẩn, màu đỏ, hồng hay tía; hình tròn hạt hình bầu dục, to bàng hạt đậu, hay cánh bèo tấm, sờ vào mềm, mịn như sờ vào tấm vải nhung, giữa các ban Sởi có khoảng da lành. Thứ tự mọc ban:

+ Ngày thứ nhất: Ban Sởi mọc ở chân tóc, sau tai, sau gáy sau đó lan ra trán, má đầu, mặt, cổ.

+ Ngày thứ hai: Ban mọc tới ngực, lưng và hai tay.

+ Ngày thứ ba: Ban mọc xuống bụng và hai chân.

Ban Sởi tồn tại hai đến ba ngày rồi lặn theo trình tự đã mọc để lại trên da những vết thâm vằn như da hổ da báo (vết vằn da hổ). Khi ban lặn các dấu hiệu lâm sàng khác giảm dần.

Ảnh minh họạ: Ban mọc xuống ngực, bụng

- Hạch bạch huyết sau tai, chẩm sưng đau.

Thường vào ngày thứ 6 – 7 ban bắt đầu bay. Ban bay theo thứ tự như nó đã mọc, để lại các vết thâm có tróc da mỏng, mịn, kiểu bụi phấn hay bụi cám. Những chỗ da thâm của ban bay và chỗ da bình thường tạo nên mầu da loang lổ gọi là dấu hiệu “vằn da hổ" đó là dấu hiệu đặc hiệu để truy chẩn đoán. Toàn thân bệnh nhân hồi phục dần nếu không bội nhiễm, biến chứng.

V. DIỄN BIẾN CỦA BỆNH

Bệnh Sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên, đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh Sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới 39oC - 40oC.

Cùng lúc đó, những mảng đỏ nổi lên, thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ có thể lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước.

1. Thể nhẹ: Không sốt hoặc sốt nhẹ; viêm xuất tiết mũi họng nhẹ; ban thưa, mờ, lặn nhanh. Hay gặp ở trẻ dưới 6 tháng (còn miễn dịch của mẹ), ở những người đã được tiêm phòng.

Chú ý: Đánh giá tiên lượng Sởi phải căn cứ chủ yếu vào hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân, không nên chỉ dựa vào ban, vì ban thưa có thể gặp ở thể nhẹ nhưng cũng có thể gặp ở thể nặng khi trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. Ngược lại ban mọc dầy không nhất thiết là nặng vì có thể gặp ở trẻ dinh dưỡng tốt, đáp ứng miễn dịch tốt.

2. Thể nặng (thể Sởi ác tính): Các dấu hiệu ác tính thường xuất hiện nhanh chóng sau vài giờ, vào cuối giai đoạn khởi phát, trước lúc mọc ban trên những thể địa quá mẫn. Thường có các triệu chứng sau: Sốt cao vọt 39 – 410C, u ám, vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh, tím tái, nôn, ỉa lỏng, đái ít, xuất huyết dưới da hay phủ tạng...

VI. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH

1. Căn cứ lâm sàng: Hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng; ban giai đoạn sớm, Hạt Koplik; Hội chứng viêm long đường hô hấp; sưng nề mí mắt, viêm kết mạc mắt; rối loạn tiêu hoá, ỉa lỏng... .Giai đoạn toàn phát: Ban dát sẩn mọc theo thứ tự từ sau tai, cổ, mặt xuống thân mình và chi. Ban bay cũng theo thứ tự và để lại trên da vết “vằn da hổ."

2. Căn cứ xét nghiệm: Phân lập virut từ máu, mũi họng (giai đoạn sớm); chẩn đoán huyết thanh. Các xét này cần làm vào ngày thứ 3-4 khi có nghi ngờ Sởi, làm 2 lần, cách nhau 7-10 ngày, hiệu giá kháng thể lần hai tăng gấp 4 lần là có giá trị chẩn đoán. Các xét nghiệm trên ít có giá trị thực tế vì khó thực hiện.

3. Căn cứ yếu tố dịch tễ, tuổi, mùa

VII. BIẾN CHỨNG

Virus Sởi phá huỷ lớp biểu mô niêm mạc và hệ thống miễn dịch, làm giảm lượng vitamin A, do đó bạn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác.

 - Bội nhiễm: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa.

 - Thần kinh: Viêm não sau Sởi.

 - Suy dinh dưỡng do ăn uống kiêng khem.

 - Loét miệng: Các vết loét ở trong miệng, môi lưỡi; vết loét có màu đỏ, được phủ một lớp trắng rất đau. Vết loét có thể sâu, rộng làm cho trẻ ăn khó khăn.

 - Chảy mủ mắt.

 - Mờ giác mạc, đây là dấu hiệu nguy hiểm có thể do thiếu vitamin A.

Viêm thanh quản

- Giai đoạn sớm, là do virus Sởi: xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban thường mất theo ban, hay có Croup giả, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản.

- Giai đoạn muộn: do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu…), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiêng, khó thở, tím tái.

Viêm phế quản

Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kì mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, neutro tăng, X quang có hình ảnh viêm phế quản.

Viêm phế quản – phổi

Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ra nổ. X quang có hình ảnh phế quản phế vêm (nốt mờ rải rác 2 phổi). Bạch cầu tăng, neutro tăng, thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh Sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

Viêm não - màng não - tủy cấp

Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Gặp ở 0,1 – 0,6% bệnh nhân Sởi. Thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), vào tuần đầu của ban (ngày 3 – 6 của ban). Khởi phát đột ngột, sốt cao vọt co giật, rối loạn ý thức: u ám – hôn mê, liệt ½ người hoặc 1 chi, liệt dây III, VII hay gặp hội chứng tháp – ngoại tháp, tiểu não, tiền đình…

- Viêm màng não kiểu thanh dịch (do virus).

- Viêm tủy: liệt 2 chi dưới, rối loạn cơ vòng.

Cơ chế: có 2 giả thuyết, cho là phản ứng dị ứng hoặc là phản ứng miễn dịch bệnh lí.

Viêm màng não

- Viêm màng não thanh dịch do viru Sởi

- Viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.

Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa(Van bogaert)

Hay gặp ở tuổi 2 – 20 tuổi, xuất hiện muộn sau vài năm, điều này nói lên virus Sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diến biến bán cấp từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân chết trong tình trạng tăng tương lực cơ và co cứng mất não.

Biến chứng đường tiêu hóa

Viêm niêm mạc miệng

- Lúc đầu do virus Sởi, thường hết cùng với ban.

- Muộn thường do bội nhiễm

Cam mã tấu (noma)

Xuất hiện muộn, do bội nhiễm xoắn khuẩn Vincent là một loại vi khuẩn hoại thư gây loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi thối.

Viêm ruột

Do bội nhiễm các loại vi khuẩn như shigella, E. coli…

Biến chứng tai – mũi – họng

- Viêm mũi họng bội nhiễm

- Viêm tai – viêm tai xương chũm.

Biến chứng do suy giảm miễn dịch

Dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà…

Phân biệt các loại bệnh Sởi

Bệnh Rubella (hay bệnh Sởi Đức)

- Sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp nhẹ, dấu hiệu nhiễm độc không rõ.

- Ban dát sẩn dạng Sởi nhưng thường nhỏ hơn, mọc thưa hơn và mọc sớm ngay từ ngày thứ 1 – 2, mọc cùng lúc, khi bay để lại vết thâm, không có hạt Koplick.

- Hạch sau tai, chẩm sưng đau

Ban dị ứng

Ban toàn thân không theo thứ tự, thường ngứa, có nguyên nhân dùng thuốc, thời tiết, thức ăn…

VIII. ĐIỀU TRỊ VÀ CHĂM SÓC

Hiện chưa có thuốc đặc trị. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng.

Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt và viêm long; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với trẻ khác.

- Với thể Sởi lành tính, điều trị tại nhà nếu dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng: theo dõi nhiệt độ hàng ngày; nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối 9‰ để tránh nhiễm khuẩn; tắm rửa sạch bằng nước ấm để tránh nhiễm trùng và lở loét; dinh dưỡng đầy đủ, thức ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A; cho ăn nhẹ, đủ chất; cho uống nhiều nước khi trẻ sốt cao, tiêu chảy (dung dịch oresol, nước quả tươi); nên nằm phòng riêng (thoáng, sáng, tránh gió lùa). Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của thầy thuốc.

- Đưa đến cơ sở y tế ngay khi các dấu hiệu nặng lên: Sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy nặng…; ban Sởi lặn hết mà vẫn còn sốt; các dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt…….

IX. PHÒNG BỆNH

1. Tiêm phòng vắc xin Sởi

Tiêm phòng vắc xin Sởi đầy đủ cho trẻ dưới một tuổi. Lịch tiêm chủng sởi như sau:

- Đối với tiêm vắc xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau:

+ Trong tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Cần tiêm mũi thứ hai vào lúc 18 tháng tuổi bởi vì các trường hợp sau tiêm mũi thứ nhất chưa có đáp ứng miễn dịch đầy đủ cần sớm được tiêm mũi thứ hai.

+ Trong tiêm chủng chiến dịch: thực hiện tiêm vắc xin cho tất cả các đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.

Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc xin sởi là 1 tháng.

- Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện các chiến lược loại trừ bệnh Sởi:

+ Duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi cho trẻ 9-11 tháng tuổi đạt trên 90%. 

+ Tiêm nhắc lại mũi 2 cho trẻ 6 tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên.

+ Thực hiện các chiến dịch tiêm bổ sung vùng nguy cơ cao.

+ Xây dựng và củng cố hệ thống giám sát bệnh Sởi tin cậy.

- Đối với vắc xin tiêm chủng dịch vụ: Tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tất cả các lứa tuổi đều có thể tiêm vắc xin sởi.

2. Phát hiện sớm và cách ly người bị Sởi./.​

Bs. CKII Đinh Ngọc Nhân - Phòng Y tế

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Trụ sở : KP Hiệp Tâm 1, Thị trấn Định Quán, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại: 02513.851.134; Fax: 02513.851.046, 02513.612.507
Website: http://dinhquan.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-dq@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:Bà Nguyễn Thị Diễm Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Định Quán.​