Năm học 2021-2022, trường THCS Ngô Thời Nhiệm
thị trấn Định Quán, có trên 1200 học sinh, với 31 lớp. Cơ sở vật chất khang
trang, đội ngũ giáo viên sẵn sàng đón
các em vào năm học mới. Mùa tựu trường đến, nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên sân
trường vẫn im ắng như trong những ngày hè. Tuy nhiên việc dạy và học vẫn đang
được diễn ra sôi nổi trên không gian mạng. Sau những ngày đầu còn bỡ ngỡ và
không ít những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận với thiết bị dạy và học trực
tuyến, đến nay gần 96% học sinh của trường có
thiết bị đã được cấp tài khoản
và tham gia học tập. Em Chu Phạm Thanh Thảo, HS lớp 6/1- trường THCS Ngô Thời
Nhiệm, thị trấn Định Quán chia sẻ: “Lúc đầu mới vào đăng nhập thì con hơi sợ
và hơn run nhưng mà rất vui vì được sự hỗ trợ của cô và của anh hai nên con
đăng nhập vô khá thuận lợi. Đôi khi học thì mạng hơi bị lác và cô giảng không
nghe rõ. Lúc cô chia sẻ ảnh màn hình thì nhiều lúc không thấy được, rất là khó
thấy và mờ. Con cảm thấy các bạn trong lớp rất hòa đồng, vui vẻ và thích chơi với
nhau, còn các thầy cô thì tận tâm giảng bài cho tụi con. Những bài nào không hiểu,
thầy cô giảng lại rất nhiều, rất dễ hiểu. Con mong chờ tới ngày hết dịch, được
đi học lại”
Việc ứng dụng phần mềm Microsoft Teams trong dạy
học trực tuyến một cách đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giám hiệu
trường Ngô Thời Nhiệm trong việc đồng hành cùng giáo viên quản lý chất lượng giảng dạy, nắm bắt kịp thời
những khó khăn vướng mắc từ phía giáo viên, cũng như các em học sinh để cùng nhau
tháo gỡ. Song song đó, nhà trường hướng dẫn giáo viên chuẩn bị kỹ lưỡng, chu
đáo nội dung bài học, xây dựng thời khóa biểu học
tập cụ thể, nghiêm túc như lịch học bình thường. Giáo viên cũng đã chủ động ứng dụng nhiều kỹ năng mới để xây dựng
nội dung các bài giảng, như: Dựng các clip, đồ họa… kết
nối và tương tác với học sinh để giúp các em hiểu bài một cách dễ dàng hơn.
Cô Phạm Thị Mỹ Luy - Giáo viên trường THCS Ngô
Thời nhiệm cho biết: “Tôi nhận
thấy để người giáo viên đầu tư được 1 tiết dạy online hoàn thiện thì phải tốn rất
nhiều thời gian và công sức, gấp đôi, gấp ba những tiết học trước đây. Mặt
khác, năm nay khối 6 là sự đổi mới về nội dung chương trình sách giáo khoa và
phương pháp giảng dạy. Vì vậy, vấn đề đặt ra là sự tương tác qua màn ảnh nhỏ
như thế thì bản thân chúng tôi rất là hạn chế trong việc khai thác khả năng
sáng tạo cũng như phát huy hết được tính tích cực của học sinh. Khó khăn là thế
nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành của BGH nhà trường cùng sự phối hợp
của các bậc phụ huynh học sinh. Đó chính là những động lực rất là lớn để cho
chúng tôi nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ năm học.”
Bước vào lớp 1, trường
tiểu học Chu văn An đúng vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống
dịch Covid-19, nên em Ngô Quang Thiên Phú, ở khu phố Hiệp Tâm 1, thị trấn Định
Quán chưa được đến trường để học tập, gặp
gỡ thầy cô, bạn bè mà chỉ có thể theo
dõi các tiết học qua truyền hình và qua sự kết nối trong lớp học trực tuyến. Cô
giáo chủ nhiệm của em đã lập nhóm Zalo để thuận tiện trong trao đổi với phụ
huynh, học sinh, gửi thêm video nội dung bài học và gửi bài tập cho cả em làm, dưới sự kèm cặp, hướng
dẫn của cha, mẹ. Chị Đỗ Thị Kim Ánh phụ
huynh học sinh ở khu phố Hiệp Tâm 1, thị trấn Định Quán cho biết: “Trẻ
được học online, được phát sóng trên kênh Đồng Nai, trên youtube thì phụ huynh
có thể mở nhiều lần trong ngày cho trẻ học, khiến trẻ thích thú, nhanh nhớ bài
hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, khi mà trẻ tiếp xúc với điện thoại nhiều, ngồi
lâu, màn hình nhỏ thì trẻ dễ mỏi mắt, gây chán nản, không còn hứng thú học nữa.
Ngoài ra với sự hướng dẫn tận tình của giáo viên chủ nhiệm, hàng ngày gửi các
đường link, các bài học sinh động thì em thấy trẻ thích thú hơn. Giáo viên tận
tình dạy cho trẻ cách viết bài.
Là địa bàn trung tâm
có nhiều mặt thuận lợi hơn so với các trường khác trên địa bàn huyện, Định
Quán, sau gần một tuần triển khai việc dạy và học theo phương pháp trực tuyến tại
trường tiểu học Chu Văn An, thị trấn Định Quán bước đầu đã đi vào ổn định. Tuy
nhiên đến nay chỉ có 90% trong tổng số 830 học sinh của trường có thiết bị để
công nghệ thông tin để tham gia học tập. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít khó
khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả dạy và học, nhất là học sinh khối 1 và
khối 2. Ông Phan Quý Hải – Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An cho biết
thêm: “Cái khó khăn trước mắt hiện
nay đối với giáo viên là giáo viên phải chọn lựa những phần mềm nào mà nó phù hợp
với đại trà phụ huynh học sinh và thầy cô giáo. Khó khăn thứ hai là việc soạn
giảng để chuyển tải đến cho học sinh thì đây là một phương thức giảng dạy tương
đối mới. Khó khăn thứ ba thì về các thiết bị, thiết bị của học sinh, của giáo
viên không được đồng bộ. Các đường truyền, các sóng mạng đôi khi không đủ ổn định
để đồng loạt các trường học bước vào việc giảng dạy này.
Theo số liệu thống kê của
Phòng giáo dục và đào tạo huyện Định Quán, đến nay toàn huyện có trên 68% học
sinh tiểu học và gần 85 % học sinh THCS tham gia học trực tuyến. Số học sinh
còn lại do thiếu thiết bị hoạc tập, nhà ở khu vực vùng sâu, vùng xa nên không
có mạng internet, cha mẹ đi làm xa không ở nhà để hỗ trợ con học tập, gia đình
… Để khắc phục khó khăn này, giáo viên đã chủ động đến nhà giao bài tập và kiểm
tra bài cho học sinh, đảm bảo mục tiêu tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học.
Lê Điểm – Tuyết Mai