Thứ sáu, ngày 4/3/2022
Thông báo sự kiện: Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024!
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Vài nét về văn hóa khảo cổ Đồng Nai

Văn hóa Đồng Nai là nền văn hóa khảo cổ thời tiền sử ở miền Đông Nam bộ mà địa giới hành chánh ngày nay là các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương. Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu.

Tuy nhiên, về mặt địa lý -địa hình đây là vùng đất cao trải dài từ cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh thấp dần xuống đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Vì vậy phạm vi phân bố của văn hóa Đồng Nai thời tiền sử bao gồm lưu vực các con sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ đông-tây. Những di vật khảo cổ học được tìm thấy ở đây ngay từ cuối thế kỷ 19 trong khi xây dựng một số công trình lớn ở Sài Gòn. Thập niên 1960-1970 một số nhà địa chất học người Pháp đã công bố việc phát hiện các công cụ thời đá cũ ở Xuân Lộc (Đồng Nai) và nhiều di tích ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai mà họ định danh là “văn hóa Cù Lao Rùa”. Từ sau 1975 việc khai quật và nghiên cứu văn hóa Đồng Nai được đẩy mạnh và cho đến nay, bức tranh thời tiền sử vùng lưu vực Đồng Nai đã dần hiện lên khá rõ nét qua hệ thống hàng trăm di tích và hàng chục ngàn di vật độc đáo, thể hiện một truyền thống văn hóa phát triển liên tục và lâu dài qua hàng ngàn năm.

fghfghgf.jpg

Trên một địa bàn rộng lớn như vậy, có thể nhận thấy các di tích khảo cổ văn hóa Đồng Nai chia thành 3 khu vực:

- Khu vực đồi đất đỏ bazan và cao nguyên đất xám phù sa cũ: Các di tích ở đây có diện phân bố rộng, tích tụ văn hóa dày, hiện vật vô cùng phong phú chủ yếu là đồ gốm và công cụ đá. Tiêu biểu là cụm di tích Xuân Lộc - Đồng Nai, di tích thành tròn ở Lộc Ninh - Bình Phước.

- Khu vực hạ lưu sông Đồng Nai: Đây là khu vực di tích phân bố dày đặc, nhiều loại hình di tích như nơi cư trú, nơi chế tạo các loại công cụ và đồ dùng sinh hoạt, các khu mộ táng với nhiều táng thức khác nhau… Các di tích nổi tiếng ở đây là Cù Lao Rùa, Dốc Chùa, Bưng Sình (Bình Dương), Bình Đa, Suối Linh, Đồi Phòng Không, Gò Me…(Đồng Nai), An Sơn, Rạch Núi, Lộc Giang…(Long An).

- Khu vực ven biển Đông Nam bộ: đây là vùng đất thấp trũng, phần lớn là rừng ngập mặn. Di tích cư trú và mộ táng rải rác trên các gò, giồng đất cao hoặc ven các bưng lầy, di vật ở đây rất đa dạng và độc đáo thể hiện những mối quan hệ giao lưu văn hóa rộng rãi. Độc đáo nhất là nhóm di tích mộ chum ở Cần Giờ - TP.HCM, các di tích vùng bưng lầy Bà Rịa-Vũng Tàu như Bưng Bạc, Bưng Thơm, Cái Vạn, Cái Lăng, Giồng Nổi, Gò Me…

Hàng chục cuộc khai quật khảo cổ học từ sau năm 1975 đă đưa lên từ lòng đất hàng trăm ngàn di vật với nhiều chất liệu khác nhau. Đồ đá là di vật phổ biến nhất và có số lượng lớn nhất, đồng thời cũng là loại công cụ- vũ khí tồn tại lâu dài đến cả những giai đoạn về sau, do sự khan hiếm của quặng kim loại. Loại hình công cụ phổ biến là rìu, cuốc, dao hái, “Qua đá”, đục, mũi tên, … được chuyên môn hóa về chức năng. Đồ trang sức nhiều nhất là các loại vòng đeo tay, đeo tai. Đặc sắc nhất vẫn là những bộ đàn đá được tìm thấy trong địa tầng di tích khảo cổ học ở Đồng Nai, Bình Phước đã khẳng dịnh sự ra đời và tồn tại của loại nhạc cụ cổ truyền này ở lưu vực Đồng Nai từ 3000 – 2000 năm cách ngày nay.

Trải qua gần 2000 năm phát triển, phương thức kinh tế chính của cư dân cổ Đồng Nai là nông nghiệp ruộng khô (nương rẫy, dùng cuốc) kết hợp với khai thác tự nhiên như đánh bắt cá, hái lượm… đồng thời phát triển các nghề thủ công. Tuy nhiên, tại vùng cửa sông Đồng Nai đã xuất hiện những dấu tích của một nhóm cư dân đặc biệt sinh sống bằng nghề trao đổi buôn bán, đó là chủ nhân các di tích mộ chum ở Cần Giờ-TP.HCM. Trong khoảng 2500-2000 năm cách ngày nay Cần Giờ đã từng là một “cảng thị sơ khai” phát triển thương mại qua đường sông, đường biển với nhiều nơi như với khu vực văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, các đảo ở Philippine, Indonesia, đặc biệt quan hệ kinh tế-kỹ thuật với Ấn Độ đã thể hiện rõ nét từ rất sớm.

Văn hóa Đồng Nai phát triển trong thiên niên kỷ I-II trước Công Nguyên đã được nhìn nhận như bước mở đầu cho truyền thống văn hóa bản địa ở Nam Bộ với bản sắc riêng và sức sống mãnh liệt. Truyền thống văn hóa Đồng Nai cùng với một số yếu tố văn hóa “ngoại sinh” do cư dân cổ Đồng Nai tiếp thu đã trở thành những yếu tố quan trọng để hình thành nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng trong giai đoạn lịch sử kế tiếp - thế kỷ I-VII sau Công nguyên.

Ngọc Huế

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Trụ sở : KP Hiệp Tâm 1, Thị trấn Định Quán, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại: 02513.851.134; Fax: 02513.851.046, 02513.612.507
Website: http://dinhquan.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-dq@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:Bà Nguyễn Thị Diễm Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Định Quán.​