Những năm qua, xã Phú Hòa, huyện Định Quán đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng
thời, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, tăng thu nhập
cho người dân. Trong đó, mô hình trồng bưởi da xanh xen canh
với mít, kết hợp với chăn nuôi dê, áp dụng kỹ thuật IMO và MEVI tự ủ phân hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế
cao, hiện đang được địa phương nhân rộng

Trong nếp nghĩ của nhiều người, tháng giêng là tháng ăn chơi, nhưng với gia đình anh Nguyễn Long Phú ở ấp 4, xã Phú Hòa, huyện Định Quán lại luôn bận rộn. Bởi gia đình anh vừa thu hoạch xong lứa bưởi bán Tết. Qua Tết, lại thu hoạch mít, rồi lại quay sang cắt bưởi phục vụ thị trường rằm tháng giêng... và chăm sóc đàn dê. Tuy vậy luôn tất bật với công việc nhưng anh rất phấn khởi, vì nguồn thu từ chăn nuôi dê và cây ăn trái của gia đình khá ổn định. Nhà chỉ có gần 1 ha đất, những năm gần đây anh Phú đã trồng toàn bộ giống mít thái siêu sớm, xen bưởi da xanh kết hợp với chăn nuôi dê, theo định hướng phát triển cây, con chủ lực của xã Phú Hòa. Cùng với đó, anh sử dụng chế phẩm IMO vào sản xuất. Mỗi năm tổng nguồn thu nhập từ đàn dê với trên 100 con, cùng hơn 600 gốc mít và bưởi là khoảng trên 400 triệu đồng. Trừ chi phí gia đình anh có lãi hơn 200 triệu đồng. Anh Phú chia sẻ: “Áp dụng hữu cơ IMO để tưới cho cây cũng như xử lý chuồng trại, các nguồn cây và những trái mít mình tỉa loại bỏ thì mình tận dụng làm thức ăn cho dê, con dê những năm gần đây thì giá cả cũng tương đối ổn định. Tổng thể thì mình trồng các cây trên, ở dưới mình trồng cỏ chăn nuôi dê, thì mình sử dụng phân chuồng cũng như áp dụng IMO phân hữu cơ để sử dụng cho cây. Tính ra thì cái chi phí đầu tư cung đỡ tốn kém hơn so với mình sử dụng 100% phân hóa học và bên cạnh đó hạn chế giảm được phân hóa học. Mình áp dụng phân hữu cơ để sản xuất thì thấy cái chi phí hàng năm đỡ tốn kém và mang lại thu nhập cho gia đình ổn định hơn"
Là người ham học hỏi, nên khi được chuyển giao ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI để tạo ra phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý chuồng trại chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch anh Phú đã mạnh dạn đi đầu thử nghiệm và khi đã thực hiện thành công anh Phú không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, công thức làm men vi sinh để các thành viên trong tổ hợp tác chăn nuôi dê ấp 4, cùng áp dụng để xử lý mùi hôi của chất thải chăn nuôi và chăm sóc cây ăn trái năng suất cao hơn. Qua đó, mang lại luồng sinh khí phấn khởi, thi đua lao động sản xuất cho cả vùng quê đổi mới. Bà Ngô Thị Giúp, tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi Dê ấp 4, phấn khỏi nói: “Đàn Dê của tổ được trên 1 ngàn con, kết hợp với trồng cây ăn trái như cây bưởi, cây mít vô thêm. Hiện tại tổ kết hợp vừa trồng cỏ chăn nuôi dê vừa trồng cây ăn trái, cho nên các thành viên trong tổ chăn nuôi dê cũng rất ôn định, rất phấn khởi là được phát triển kinh tế mạnh, phẻ, trong các thành viên cũng phấn khởi hồ hởi"
Những năm qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã Phú Hòa đã được người dân đồng tình hưởng ứng. Qua đó đã tận dụng và phát huy tiềm năng lợi thế đất đai, nhân rộng được các mô hình sản xuất hiệu quả cao. Công tác phát triển kinh tế tập thể được đẩy mạnh, khuyến khích người dân liên kết sản xuất hàng hóa. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 310 ha mít được kết nối chuỗi liên kết với Công ty Thuận Hương nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, Phú Hòa tăng cường chuyển giao khoa học tiến bộ cho người dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, hướng tới nền nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường. Ông Ngô Văn Trường, Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Hòa cho biết:
“Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp và gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu của địa phương thì vai trò của Hội là tuyên truyền vận động bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng có già trị kinh tế cao, điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Long Phú. Hội luôn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như hướng dẫn cho nông dân thực hiện cái IMO phân bón bản địa, để thay thế dần phân bón hóa học. để tạo cho nền nông nghiệp của địa phương ngày một phát triển theo hướng bền vững và đi theo hướng hữu cơ. Mô hình này thì địa phương và hội nói riêng, đã nhân rộng ra trên địa bàn của 4 ấp"
Từ hiệu quả ổn định của mô hình đã có trên 50 % diện tích cây lâu năm tại xã Phú Hòa được nhân rộng từ mô hình xen canh cây trồng chủ lực mít, bưởi kết hợp với chăn nuôi dê. Nhiều hộ dân áp dụng phương pháp tạo men vi sinh IMO từ những phụ phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi, trồng trọt để thực hiện mục tiêu kép: Vừa xử lý ô nhiễm môi trường, vừa tái tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp sạch. Từ đó, đã nâng giá trị sản xuất trên 01 ha bình quân đến năm 2021 đạt 183,4 triệu đồng/ha. Tăng 11,4 triệu đồng/ha so với thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc, hiện nay Đảng ủy chính quyền và Nhân dân xã Phú Hòa phấn đấu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của người dân