
Chuyên gia tâm lý đang tư vấn trẻ em cách sử dụng thiết bị công nghệ an toàn hiệu quả
Sự phát triển
bùng nổ, lan rộng của công nghệ số hiện đại đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của
cuộc sống, mang đến nhiều tiện ích, trải nghiệm mới mẻ cho con người, từ thành
thị cho tới những vùng quê. Việc kết nối internet, hay sở hữu một thiết bị
thông minh như smartphone, máy tính bảng... đã trở nên dễ dàng và phổ biến đối
với mỗi gia đình. Bên cạnh người lớn, trẻ em cũng được tiếp cận với những thiết
bị này từ rất sớm và sử dụng một cách thường xuyên, trong số đó có cả những bé còn
rất nhỏ. Tại huyện miền núi Định Quán
cũng vậy, khi đời sống kinh tế, xã hội phát triển, hầu hết các gia đình đều đã
mua sắm các trang thiết bị công nghệ số hiện đại để phục vụ sinh hoạt, giải trí
của gia đình và nhu cầu học tập, của con em mình. Chính vì vậy, mỗi gia đình và
các thế hệ tương lai cũng được hưởng lợi từ các tiện ích của công nghệ số và
chịu cả những tác hại của chúng khi quản lý sử dụng thiếu thông minh, khoa học.
Trước hết, khi
bàn về các tác động tích cực, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà công
nghệ số mang tới cho gia đình. Đó là sự tiện ích giải trí phong phú, đa dạng,
công nghệ số giúp các thành viên gia đình giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống
thường ngày, thư giãn sau thời gian học tập, làm việc mệt mỏi. Mọi người có thể
thoải mái lựa chọn những hình thức giải trí phù hợp với bản thân mình như đọc
tin tức, xem phim, nghe nhạc, chơi game, hay chuyện trò, chia sẻ với bạn bè,
người thân trên các mạng xã hội. Ngoài chức năng giải trí, trẻ em cũng có thể
thông qua các ứng dụng hay trò chơi hữu ích, mang tính giáo dục, học tập để rèn
luyện khả năng tư duy, cũng như thu nhận thêm kiến thức, phát huy tính sáng
tạo…
Tuy nhiên, bên
cạnh những tác động tích cực, sự phát triển và sức lan tỏa mạnh mẽ của công
nghệ số cũng gây ra ảnh hưởng xấu tới hạnh phúc gia đình. Các thiết bị số len lỏi vào từng gia đình đã
làm thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, hay nghiêm trọng hơn, còn có thể
gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa các thành viên và đặc biệt là tương lai
con trẻ. Chị Nguyễn Thị Ngọc
Hạnh- tại thị trấn Định Quán cho biết: Gia đình tôi cũng mua cái
máy tính bảng cho cháu nó học, trao đổi học toán trên mạng, trao đổi với bạn bè,
lên mạng chơi FB,… tôi cũng có dặn chơi có giới hạn thôi. FB chỉ được trao đổi
với bạn bè chứ không được kết bạn nhiều. Mỗi đứa cho chơi nửa tiếng, chơi 1
game hoặc trao đổi với bạn bè trong học tập thôi. Chứ không cho lướt face hay
coi mấy chuyện khác. tôi giám sát chặt chẽ con tại vì bây giờ nhiều người kết bạn
rủ đi đây đi đó nên rât sợ,
Còn chị Lê Thị Minh Điều ở xã Phú Ngọc, cho biết
thêm: “Thiết bị công nghệ đối với cuộc sống bây giờ là không thể thiếu, quan trọng
là mình quản lý như thế nào. Chẳng hạn máy vi tính, Mình hướng cho con tra cứu trên mạng tra cứu những
thông tin cần thiết, hỗ trợ thêm cho công việc học tập của bé. Cũng qua đó bé
có thể giao lưu với bạn bè. Có thể hướng dẫn bé chọn lọc, quản lý thời gian sử
dụng của bé. Ngoài giờ học thì một ngày được sử dụng 30 phút đến 1 tiếng, từ 9
giờ trở đi thì tắt điện thoại, tắt wifi, không cho trẻ mang điện thoại vào
phòng ngủ. Quan trọng là điều mình hướng cho bé nó tự ý thức được phần đó. Đa số
lứa tuổi này thì chưa ý thức được nên mình chỉ hạn chế được thời gian tiếp xúc
với mạng xã hội của trẻ.

Thiết bị công nghệ được trẻ em yêu thích
Công nghệ đóng một vai trò lớn trong việc
thay đổi cách làm của con em chúng ta trong quá trình học hỏi, giải trí, mối
quan hệ với bạn bè và cách cư xử trong xã hội. Và tất nhiên trẻ em sẽ rất dễ bị
ảnh hưởng sâu sắc khi hằng ngày bên cạnh chúng lúc nào cũng có điện thoại di động,
máy nghe nhạc iPod, iPad, truyền hình cáp, Internet, video game hay bất kỳ một
thiết bị công nghệ nào được chúng đòi hỏi. Các công nghệ này dần dần trở thành
một chất "gây nghiện" vô hình ở trẻ. Nhiều trẻ không được bố mẹ hoặc
người lớn chỉ dẫn đã trở thành nạn nhân của "kẻ săn mồi" internet và
một số trẻ khác thì nghiện video game, làm cho chúng không có thời gian để tiếp
xúc, kết thân, vui chơi với các trẻ khác – điều này thật sự nguy hiểm vì sẽ làm
ngày càng tăng tỷ lệ các trẻ bị trầm cảm, cô đơn và tự ti khi trẻ giao tiếp bên
ngoài xã hội.
Trước đây, trẻ em thường giải trí với nhiều hoạt động
thể chất như đá bóng, chạy nhảy, leo trèo,... các món đồ chơi, trò chơi sáng tạo
như vẽ tranh, nặn đất sét, ghép hình... Còn giờ đây, những thứ đó được thay thế
bằng thiết bị số với rất nhiều trò giải trí hấp dẫn, đa dạng, bắt mắt.
Smartphone, máy tính bảng khiến trẻ chỉ ngồi yên một chỗ và dán mắt vào màn
hình, không còn thời gian dành cho vận động thể chất cùng các hoạt động khác;
làm cho các em thiếu sự nhanh nhẹn và hoạt bát, tăng nguy cơ béo phì, suy giảm
thị lực, có thể dẫn tới các bệnh tật khác. Anh Nguyễn Hữu Tình, ở Gia Canh cho
biết: Học xong thì mình cho nó chơi một thời
gian nhất định thôi. Chứ còn cấm nó thì cũng không được, tuỳ gia đình quản lý
con mình. Nó học xong thì mình cho chơi khoảng 15 phút rồi tắt điện thoại. Sợ nó
bị cận và học tập sa sút. Chơi nhiều quá nó sẽ ghiền game “.
Cùng
với game, mạng xã hội facebook đang thu hút rất nhiều người tham gia, thậm chí
là gây nghiện, đặc biệt là giới trẻ. Chính vì vậy sử dụng facebook như thế nào
cho hợp lý cũng là điều mọi người cần quan tâm. Chi sẻ về điều này, em Thiều Bùi Phương Dung, ở xã
Gia Canh cho biết: “Theo em thì mạng xã hội hiện nay có những mặt lợi và
song song với đó là có những mặt có hại cho nên là chúng ta phải tỉnh táo khi
tham gia mạng xã hội. Và sử dụng một cách vừa phải. Nếu mà em nhận được một lời
mời đi chơi, uống nước hay gặp gỡ từ một người lạ mặt thì điều đầu tiên em cần
phải cẩn trọng và từ chối để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”
Thực tế cho thấy,
công nghệ số cùng sự phát triển vũ bão của nó trong thời đại hiện nay đã mang
tới nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người và kèm theo đó là những tác hại
khó lường. Do đó, chúng ta cần phải hiểu rõ về thực trạng, nhận thức đúng về
lợi ích, nguy cơ, tác hại của công nghệ số, cần sử dụng các thiết bị thông minh
một cách thông minh sẽ không chỉ giảm thiểu tối đa tác hại nó mang lại, mà còn
phát huy được những mặt tốt, giúp cho mối quan hệ giữa các thành viên thêm gắn
kết, hạnh phúc gia đình được đảm bảo, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững
của xã hội.
Lê Điểm – Trung Kiên